Hai chuyên gia tâm lí Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa tâm lí giáo dục ĐH Sư Phạm TPHCM) và cô Nguyên Ngọc (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) sẽ chia sẻ và tư vấn cho các bạn cách giải quyết vấn đề, hóa giải những rắc rối và vượt qua áp lực cuộc sống để mỗi sáng thức dậy ta thấy cuộc đời này thật tươi đẹp và đáng sống.

Thưa cô. Ngoài những áp lực về bài vở, thì gia đình cũng tác động đến em rất nhiều và đã không ít lần gia đình đã khiến cảm thấy chán nản vô cùng. Ba em là một người trầm tính, sống độc lập cao, không biết quan tâm tới mọi người, kể cả con cái mình. Hơn nữa, ba em sống an phận thủ thường, không có chính kiến riêng, như một con người vô hồn trong gia đình.

Em không biết phải nói sao với ba, ba cứ như vậy. Nếu em mà giận gì thì ông coi rằng em dỗi này dỗi nọ, cũng chẳng thèm biết tâm trạng của em ra sao. Ông chưa bao giờ dạy bảo, can thiệp hay khuyên nhủ em phải biết làm hay ứng xử ra sao. Em luôn cố gắng giữ tâm trạng tốt nhất để vượt qua những rắc rối hằng ngày, tự mình em gắng gượng đứng thẳng để bạn bè không cho rằng em yếu đuối.
 
Còn mẹ em, không phải là người biết quan tâm, lo nghĩ cho con cái, và lại khá ghê nữa. Em thấy sợ họ. Sống không biết yêu thương, không ham hiểu biết, sống mà vô nghĩa quá. Giờ đây, em sợ bản thân mình cứ như này sẽ trầm cảm nặng, học hành kém đi, và sốc nổi mất. Xin cô cho em biết phải làm gì để vượt qua tâm trạng nặng nề này? Em cám ơn cô. – Tại Tâm, 17t, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội

Cô Ngọc: Không ai chọn cửa để sinh ra, nên em cũng không thể trách móc hay thay đổi được bố mẹ mình. Việc nên làm và có thể làm bây giờ là em thay đổi bản thân em. Em đừng kỳ vọng vào bố mẹ vì điều đó chỉ làm em khổ sở thêm. Em hãy tìm niềm vui ở những hoạt động mang tính tập thể hoặc nghề nghiệp nào đó.

Thậm chí đi làm công tác từ thiện. Em cũng không cần tỏ ra quá bản lĩnh trong mắt các bạn, nếu bạn bè em hiểu và sẵn sàng chia sẻ với em. Có khi chỉ cần khóc với bạn một lần mà căng thẳng của em được giải tỏa rất nhiều.

Thưa thầy, sắp đến kì thi đại học, sự căng thẳng về thi cử lúc nào cũng ám ảnh em. Đêm nào em cũng nằm suy nghĩ, liệu mình có vượt qua được thử thách đó hay không. Áp lực càng lúc càng nặng nề. Hơn nữa, em sinh ra trong một gia đình cả ba mẹ đều là giáo viên, nên từ nhỏ em đã có nhiều áp lực. Mỗi khi bị điểm kém em bi áp lực kinh khủng, chính vì vậy em càng cảm thấy lo sợ hơn khi ba mẹ đưa ra chỉ tiêu cho việc thi đại học.
 
Sức học của em bình thường nhưng lúc nào ba mẹ cũng muốn em phải đạt kết quả như ba mẹ mong muốn. Mỗi khi làm bài điểm thấp, em không dám về nhà vì sợ phải đối diện với ba mẹ. Gần thi rồi mà trong đầu em lúc nào cũng đầy căng thẳng và lo sợ, mong thầy hãy giúp em thoát khỏi sự căng thẳng ấy. – Bảo Ngọc, 18t, Khánh Hòa

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Ngọc thân mến, khi các nhà tâm lý học phỏng vấn những người hay thất bại, người ta đã nhận ra rằng những người ấy hầu hết đều sống trong vòng luẩn quẩn: Căng thẳng –> giảm hiệu quả làm việc –> thất vọng –> căng thẳng –> ….và biện pháp duy nhất là em phải tự giải thoát mình ra khỏi vòng luẩn quẩn đó. Em sẽ thấy một khi đã quẳng gánh lo đi, đầu óc sẽ trở nên thông sáng, học hành hiệu quả, và thi cử nhẹ nhàng hơn.

Thầy cũng nhận thấy một trong những nguyên nhân đè nặng lên tâm lý của em chính là kỳ vọng của cha mẹ. Nhưng em cần biết dù kết quả học tập thế nào đi chăng nữa, ba mẹ vẫn yêu em hơn là yêu điểm của em. Với niềm tin đó, hãy tìm cơ hội trò chuyện với ba mẹ về những căng thẳng của mình và hỏi ý kiến ba mẹ làm sao để có thể vượt qua căng thẳng và áp lực đó. Hãy  tin rằng là giáo viên ba mẹ sẽ nhận ra gánh nặng của em đến từ sự kỳ vọng quá lớn của ba mẹ.

Ngoài ra nếu em ngần ngại tâm sự, em hãy nhớ rằng mình vẫn còn nhiều những đồng minh khác có thể tác động đến bố mẹ như ông bà, anh chị trong nhà, thậm chí là thầy cô, hay một bức “huyết tâm thư” hoặc một bài báo nào đó nói về vấn đề này.

Nếu như tất cả những cách trên đều chưa mang đến hiệu quả mong muốn mà em không thể tự thoát khỏi hố sâu của sự căng thẳng này, hãy can đảm để dám khóc và thầy tin rằng những giọt nước mắt ấy sẽ là một phương thuốc diệu kỳ để ba mẹ lắng nghe và đồng cảm với em.

Chúc em can đảm để có thể giải toả cho mình để cha mẹ hiểu hơn và để có một kì thi thật tốt.

Thưa cô, Em bị ba đánh bị suýt chết! Giờ đây kí ức của em chỉ toàn là những trận đòn roi, chửi mắng chì chiết của ba me. Em sống như không có hồn lúc nào cũng nghĩ tới cái chết. Năm nay em học 12 áp lực học tập làm em mệt mỏi về nhà em còn còn mệt hơn.
 
Trên lớp em tỏ ra vui vẻ mạnh mẽ nhưng thật ra lòng em yếu đuối. Vì tính tình của mẹ em, và em không hề có một người bạn cho đúng nghĩa. Chuyện gì em cũng phải viết nhật kí để cho vơi nỗi buồn. Em phải làm sao bây giờ? – Bích, 18t, Đức Linh – Bình Thuận

Cô Ngọc: Viết nhật ký cũng là 1 phương pháp giảm stress hiệu quả. Em cần sống thật với cảm xúc của mình với 1 người bạn thân nào đó hoặc 1 người thân đáng tin cây nào đó. Nếu được, em hãy tìm đến 1 chuyên gia tâm lý nào đó hoặc 1 bác sĩ trị liệu về tâm lý để giải tỏa nỗi ám ảnh của ký ức.

Thưa cô, em có một gia đình hạnh phúc, bạn bè thân thiết, học tập cũng tạm ổn. Nhưng mỗi khi nhìn đến kết quả học tập kém, cuộc sống không được may mắn, là cháu lại thấy đời tối đen và chỉ muốn mình biến mất khỏi cuộc sống. Em phải làm sao để thoát khỏi tình trạng này… – Thái Hồ Băng Yến, 15t, An Giang

Cô Ngọc: Người ta nói không có cuộc đời hạnh phúc, chỉ có mỗi ngày mỗi giờ hạnh phúc.Khi kết quả học tập không như mong muốn hay gặp tình huống không hay, em hãy nghĩ đến gia đình hạnh phúc, nghĩ đến những niềm vui mà mình đã có để tự tin hơn và chín chắn hơn. Có thể em quá cầu toàn nên đôi khi xảy ra tình trạng căng thẳng như vậy.

Thưa cô, em thích một bạn trai học cùng lớp từ năm lớp 9, viết thư nhưng bị từ chối và yêu đơn phương cho tới năm học lớp 10. Thế là em vẫn cứ ôm mối tình đơn phương cho tới năm em học lớp 11. Thưa cô, phải làm sao để thoát khỏi tình trạng này? – Kuloveah, 17t, Quảng Nam

Cô Ngọc: Nếu đến lớp 12 và cả vào đại học rồi đi làm mà bạn trai đó vẫn không đáp lại tình cảm của em thì em có chờ đợi nữa không? Hãy nghĩ như vậy và cố gắng tập trung vào việc học hành và vui chơi giải trí cho bản thân hơn là nghĩ về nó. Em không cố quên thì tự nhiên em cũng sẽ hết nhớ về mối tình đơn phương đó.

Thưa cô, trước nhất xin giúp em làm sao để có thể vượt qua tính ích kỷ khi thấy người khác học hơn mình? Thứ hai là hình như em bị stress nên rất hay cáu gắt với mọi người, làm sao để em vượt qua ạ? – Heo Kon, 17t, Tp HCM

Cô Ngọc: Khi thấy người khác học hơn mình mà biết buồn, biết ganh tỵ để cố gắng học cho bằng bạn thì không phải là ích kỷ. Vì em có quá nhiều tham vọng mà thực tế không làm được bao nhiêu nên cáu gắt đó thôi. Em cần bình tĩnh, sắp xếp mục đích của mình từ thấp đến cao và cố gắng đạt đến. Sự thành công sẽ giúp em đỡ cáu gắt hơn.

Thưa thầy, so với các bạn em thuộc gia đình khá giả…em học cũng giỏi vì ba má đáp ứng cho em mọi điều kiện để học hành. Nhưng có điều em luôn cảm thấy thiếu thốn một cái gì đó từ bố mẹ. Bố mẹ em bận rộn tối ngày, hầu như ít có thời gian tìm hiểu em thật sự đang muốn gì, cần gì…Em cảm thấy càng ngày bố mẹ càng xa rời em! Thưa thầy, suy nghĩ như vậy có phải em đòi hỏi quá nhiều ở bố mẹ không? Xin thầy trả lời cho em biết suy nghĩ của em như vậy đúng hay sai? Em cám ơn thầy. – Thảo Linh, 17t, Quảng Nam

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Thảo Linh thân mến! Cuộc sống hiện đại đặt người lớn vào một cuộc chạy đua. Không những vậy, mong muốn chăm lo tốt cho tương lai của con cái khiến cha mẹ phải làm việc cật lực hơn. Đó là điều mà con cái chúng ta cần thông cảm.

Tuy nhiên, Thảo Linh vẫn có thể hoàn toàn chủ động tạo ra những khoản khắc hâm nóng bầu không khí gia đình. Một món ăn do em tự nấu, một buổi tiệc sinh nhật cho mẹ cho em tự chuẩn bị, một cái bánh kem kỉ niệm ngày cưới có thể làm cho ba mẹ nhận ra mình đã lãng quên mất những giây phút của gia đình. Một hôm em có thể đề nghị bố mẹ hãy cùng gia đình đi chơi sau những tháng ngày làm việc mệt mỏi vào những dịp lễ sắp đến và em sẽ là trưởng ban tổ chức.

Ngoài ra, bản thân em cũng nên tạo cơ hội cho cha mẹ quan tâm đến mình. Đôi khi bố mẹ ngại làm ảnh hưởng đến em khi thấy em đang rất chăm chỉ học hành và muốn tạo cho em không gian yên tĩnh. Hãy chủ động trò chuyện với cha mẹ nhiều hơn, hỏi han về chuyện công việc cũng như cuộc sống.

Với tuổi 17, em hoàn toàn có thể đốt lên ngọn lửa sưởi ấm gia đình. Chính những việc làm của em sẽ giúp cho cha mẹ nhận ra em rất cần sự quan tâm từ họ. Hãy chủ động cho đi, tình yêu thương sẽ được đáp lại bằng tình yêu thương.

Thưa cô, em có nên chấp nhận tình yêu của bạn? Nếu từ chối thì em có lỗi khi gây cho bạn ấy bị sốc không ạ? – Thái Thiên Nhi, 16t, Tp.HCM

Cô Ngọc: Người ta chỉ nhận lời yêu khi người ta cũng thực sự yêu người đó. Vi sợ bạn bị sốc, mà nhận lời yêu có khi đến lượt mình bị sốc. Không biết lúc đó có ai quan tâm đến mình không?

Thưa cô, năm lớp 8 em học rất tốt, nhưng đến năm lớp 9, 10 em bắt đầu sa sút. Nguyên nhân không phải vì bài học quá khó, mà là em quá chú tâm vào việc thực hiện một trang web. Em thường nghỉ các buổi học thêm để hoàn thiện website của mình. Thưa cô, làm sao em có thể vừa chuyên tâm vào việc học, và biết cách sắp xếp thời gian của mình? Em cám ơn cô. – Ngoc Cuong, 16t, Tiền Giang.

Cô Ngọc: Thật ra câu hỏi của em cũng là câu trả lời. Em cần liệt kê những việc cần phải làm trong ngày, trong tuần và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và cố gắng tuân thủ nó. Chắc chắn em có thể làm tốt cả hai công việc cùng một lúc.

Thưa cô, cho em biết giữa yêu và thích khác nhau như thế nào? – Phuongthuy, 15t, Tp.HCM

Cô Ngọc: Thật ra đây là 2 phạm trù khá mơ hồ. Em có thể hiểu thế này: thích thì có thể thích nhiều người cùng một lúc. Nếu chỉ thích 1 người và thích hơn tất cả những người khác, thích tất cả những gì người ta có thì là yêu.

Thưa cô, trong lớp em các bạn gán em với lớp trưởng. Sự kết đôi này làm em hầu như mất đi một người bạn thân tốt, vì bạn ấy không những đẹp trai mà con học giỏi và dễ mến nữa. Em cứ phải xa lánh bạn ấy vì các bạn trêu chọc quá cỡ! Thưa cô em phải làm sao, vì cứ như thế này quả thật thêm một áp lực cho em cùng với gánh nặng học tập. Xin cô giúp em, em cám ơn cô. – Mai, 15t, Tp.HCM

Cô Ngọc: Vì em xa lánh bạn nên càng bị chọc dữ và bị mất đi một người bạn tốt. Các bạn sẽ chán không chọc em nữa khi thấy trò chơi của mình không còn tác dụng. Như vậy em cứ bình thản tiếp xúc với bạn và học hành. Trò đùa sẽ chấm dứt.

Thưa cô, thời buổi nay còn đúng với câu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nữa không? Và nếu cãi lại sự xếp đặt của ba mẹ thì mình có lỗi không? –  Thuy Trinh, 25t, Quảng Trị

Cô Ngọc: Cô không hiểu em hỏi việc đật để trong tình yêu hay chọn trường, chọn nghề. Thật ra, thời nào cha mẹ cũng thương con, lo lắng bảo bọc con, nên hay có thái độ áp đặt. Em có thể thuyết phục cha mẹ, nếu thấy sự áp đặt đó quá phi lý. Tuy nhiên, cần nỗ lực thuyết phục và dùng nhiều biện pháp khác nhau để tránh hiểu lầm từ cha mẹ.

Thưa cô, em là sinh viên năm thứ nhất, không hiểu do áp lực học tập, chuyện tình cảm, tiền bạc, hay vì những khó khăn trong cuộc sống sinh viên…mà lên lớp em lúc nào cũng căng thằng. Chưa bao giờ em cảm thấy thoải mái, yên tâm học hành. Mong cô giúp em tìm ra giải phái để giải quyết. Em xin cám ơn cô. – Trinh Van Thinh, 19t, Hà Nội

Cô Ngọc: Năm thứ nhất của thời sinh viên là năm có nhiều khó khăn nhất, vì mọi thứ đều thay đổi. Thay vì thụ động ngồi chờ người trợ giúp em hãy tự giải tỏa căng thẳng  bằng cách viết nhật ký, chia sẻ với bạn bè, người thân, tham gia vào những hoạt động tập thể… Có thể tìm 1 niềm đam mê nào đó để có định hướng hơn.

Thưa cô, em với bạn trai yêu nhau được hơn nửa năm, nhưng trong khi đó bạn ấy vẫn còn liên lạc với người yêu cũ mà không cho em biết. Cuối cùng vì thấy có lỗi với em nên bạn ấy đã nói thật và có ý muốn tiếp tục với em. Thật sự là em không cảm thấy yên tâm lắm, vì cô gái đó hơn em về tất cả, và lại ở cùng quê với anh ấy nữa. Em thì ở xa anh ấy. Giờ em không biết phải làm sao? Tình yêu trong em còn rất nhiều. Em không biết có nên tiếp tục hay không nữa?Xin cô cho em một lời khuyên. – Trúc Diễm, 22t, Đà Nẵng

Cô Ngọc: Trong tình yêu người ta cần có niềm tin vào bản thân, và người ấy. Đôi khi, sự thua kém của em là sức hấp dẫn đối với anh ấy. Hãy cho anh ấy 1 cơ hội và tự tin lên, đồng thời cũng cần hết sức sáng suốt để phát hiện ra những điều không bình thường ở anh ấy.

Thưa cô, em băn khoăn không biết nên thi ở đâu, khi người yêu của em lại chọn nơi khác thi đại học. Em có nên đăng ký thi theo anh ấy không? Em nghĩ nếu được học cùng nhau, cả hai sẽ hỗ trợ cho nhau rất nhiều. – Kliienth, 18t, Quảng Trị

Cô Ngọc: Em thi đại học là để chọn cho mình 1 nghề để sống sau này nên việc chọn trường phụ thuộc vào khả năng nhu cầu và nguyện vọng của bản thân em. Nếu học chung người yêu mà trường đó không phù hợp với mình, thì tương lai sẽ ra sao. Mong em suy nghĩ kỹ trước khi quyết định.

Thưa thầy, em vừa học trong trường vừa phải học thêm, về nhà còn phải phụ giúp ba mẹ, đến tối là em thở không ra hơi còn phải học bài cho sáng hôm sau. 1 tuần em đi học thêm đủ 7 ngày, có hôm còn tăng tiết trên trường nữa. Học từ 6h sáng đến 9h tối vậy mà vẫn không đủ. Trường em lại theo kiểu “học dưới đất, đề trên trời”, mà là 1 học sinh lớp chọn em lại càng quan tâm về điểm số hơn.

Các thầy cô trên lớp có khi không giảng bài mà cho tự soạn giống như ép đi học thêm vậy! Em không thể chịu nổi áp lực này, xin thầy cho em 1 lời khuyên! – Shinigami, 16t, Phan Huy Ích, P.14, Q.Gò Vấp

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Một hôm, chiếc bình thuỷ tinh nọ cầu cứu với chủ nhân: “Chủ nhân ơi, sức chứa của tôi có hạn, nhưng tôi sắp vỡ mất vì đã nhồi nhét quá nhiều thứ. Chỉ cần để thêm một vật gì vào nữa là tôi sẽ vỡ tan tành đi mất. Xin người hãy để lại những gì quan trọng nhất, lúc đó tôi mới có thể bảo vệ chúng một cách an toàn.”

Bạn thấy đấy, ai cũng có 24 tiếng mỗi ngày, giống như một chiếc bình hữu hạn. Chúng ta không không thể chứa hết những gì chúng ta muốn hay những gì người khác nhồi nhét vào. Điều quan trọng nhất là biết chọn lọc và dung hòa giữa các hoạt động khác nhau. Thời khoá biểu mỗi ngày của bạn quá nặng về chuyện học. Ngoài chính khoá bạn còn đi học thêm đủ cả 7 ngày.

Chăm chỉ là tốt tuy nhiên không phải cắm cúi học là sẽ thành công. Học vừa đủ, học cái gì mình thấy cần thiết nhất để cuộc sống không trở nên quá tải. Bạn nên điều tiết lại việc học thêm để không bị thiếu oxy trong cuộc sống.

Chuyện bài vở áp lực, cách dạy của thầy cô hay chuyện đề thi là thực tế mà em không thể thay đổi được. Cách duy nhất là em thay đổi suy nghĩ để chấp nhận nó để mình cảm thấy thoải mái hơn. Rất nhiều bạn học sinh khác trong lớp, trong trường thậm chí rất nhiều trường khác cũng cùng hoàn cảnh như em. Song song đó em có thể tìm ra phương pháp học cho phù hợp với cách dạy của thầy cô và xem đó như là một thử thách thú vị để tháo gỡ.

Khi đọc tình huống của em, thầy vừa lo lắng nhưng cũng rất tự hào vì em là một người con hiếu thảo không chỉ chăm học mà còn biết phụ giúp gia đình. Em cũng hãy tự hào về mình vì đã hơn được nhiều bạn teen hư hỏng khác. Nếu một ngày nào đó công việc gia đình quá nhiều ảnh hưởng đến việc học tập và sức khoẻ em có thể “đàm phán” với anh chị em hoặc chia sẻ với bố mẹ để gia đình san sẻ bớt cho em.

Sống có trách nhiệm sẽ rèn giũa em trở thành người bản lĩnh, biết quản lý thời gian, quản lý việc học và công việc gia đình. Em sẽ dễ thành công hơn trong cuộc sống.

Thưa cô. Em mới bước vào ngưỡng cửa ĐH, đối với em không ít bỡ ngỡ, nhất là mở rộng quan hệ với bạn bè. Không phải em không có bạn nhưng để tìm 1 cảm giác thân thuộc dường như là không có. Trong khi ở cấp 3 em là đứa hòa đồng, hay nghịch phá, nhí nha nhí nhảnh. Có lẽ cái bóng ở thời học sinh quá lớn chăng, nó khiến em cứ đem những mối quan hệ ở ĐH ra so sánh.

Nhiều khi bây giờ bạn bè chung lớp đi ngang qua mà em cũng chả nói được câu nào, thậm chí là không chào nữa. Có phải chính vì vậy mà em chỉ chơi nhất định với một nhóm mà thôi, không thể mở rộng được và không có bạn thân? – Kim Chi, 19t, Biên Hòa, Đồng Nai

Cô Ngọc: Việc thiết lập 1 tình thân luôn đòi hỏi phải có thời gian. Năm thứ nhất đại học là năm có nhiều bỡ ngỡ, nên tâm trạng của em như vậy cũng là điều bình thường. Em nên chủ động hòa nhập vào không khí của trường đại học rồi em sẽ có được điều em mong đợi.

Thưa cô, hồi năm lớp 8 em học khá giỏi luôn đứng nhất nhì trong lớp, nhưng năm nay lên lớp 9 em học rất tệ chỉ đứng 10, 11 trong lớp, tháng trước em đứng hạng 11, tháng này cô em nói em có nguy cơ đứng thứ 13-15 , nhưng em đã lỡ hứa với ba là em sẽ đứng từ hạng 5 trở lại , bây giờ em đang rất rối, em không biết làm thế nào nữa? – Phụng, 15t, Đồng Tháp

Cô Ngọc: Chương trình lớp 9 chắc chắn khó hơn các em lớp dưới, nên kết quả học tập bị sụt giảm cũng là chuyện bình thường. Em thử tìm nguyên nhân của việc tụt hạng đó và cố gắng sửa sai. Có lẽ khó giấu giếm ba mẹ. Thôi thì viết sẵn một kế hoạch học tập trong đó có liệt kê nguyên nhân và đưa ra giải pháp để đạt kết quả cao. Xin ba mẹ án treo để lập công chuộc tội.

Thưa thầy, em rất muốn hòa đồng lại với các bạn trong lớp, nhưng các bạn cứ tránh mặt em, em phải làm sao? – Kim Ngân, 16t, Tân Phú

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Ngân thân mến! Muốn tháo gỡ một cuộn chỉ rối hãy tìm xem nút thắt của nó ở đâu. Vì sao bạn bè lại tránh né em? Nếu em đã từng làm việc gì có lỗi, một lời xin lỗi sẽ là cách hoá giải. Nếu cá tính em sắc nhọn, hãy làm mềm mình lại hơn. Nếu bị bạn bè ganh tị, hãy trở nên khiêm nhường. Hãy phát tín hiệu để bạn bè biết em đã hối lỗi.

Em cũng có thể nhờ một đồng minh làm cầu nối giúp em. Sự chân tình của em nếu như một lần bị từ chối thì đừng nản chí. Hãy thể hiện sự chân tình của mình lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4…. Đến một lúc nào đó, nụ cười của em sẽ được đáp lại bằng nụ cười của bạn bè.

Tham Vấn Tâm Lý