Nhiều bậc cha mẹ đã không khỏi phàn nàn lo lắng trước những thay đổi đột ngột và khó hiểu của con cái – trai cũng như gái – khi chúng bước vào tuổi dậy thì, đến nỗi nhiều khi họ cũng không còn nhận ra con mình được nữa.

Chẳng hạn, tự nhiên một ngày nào đó thấy đứa con tỏ ra bướng bỉnh, thiếu vâng lời, cha mẹ bảo ban gì cũng cãi lại, bất cẩn và thiếu kính trên nhường dưới. Chẳng những thế, chúng còn thường xuyên trốn học đi chơi cũng như cứ viện đủ lý do để khỏi đi nhà thờ xem lễ.

Chỉ khi người ta đặt mình vào trường hợp của những bậc cha mẹ đang phải đứng trước một hoàn cảnh kho khăn như thế, thì mới thấy được rằng những nỗi buồn lo của họ là hoàn toàn có cơ sở và hợp lý. Ví dụ một hôm nào đó cô con gái mới lớn dẫn một bạn trai về nhà và hỏi mẹ: “Mẹ nhỉ, tối nay để bạn trai con ngủ lại nhà mình nghe?” Hay cậu con trai hỏi ba: “Ba ơi, hè này ba mẹ cho phép bạn gái con đi nghỉ hè chung với gia đình mình, ba đồng ý nhé?” Hoặc còn “sốc” hơn nữa khi phải nghe: “Mẹ nè, phải sử dụng thuốc ngừa thai sao cho đúng và có hiệu quả?”

Đứng trước những câu hỏi tương tự như thế các bậc cha mẹ có thể có những phản ứng khác nhau. Nếu là những bậc cha mẹ cấp tiến, tự do phóng khoáng và không đặt nặng vấn đề luân lý đạo đức cũng như đời sống đức tin, thì sẽ gật đầu dễ dàng, vì họ tổng quát hóa một cách rất chủ quan rằng: “tất cả tụi trẻ ngày nay đều thế cả mà”, hay: “thà chỉ cho con cái biết ngừa thai, còn hơn để chúng nó nạo thai, tội chết!” Còn những bậc cha mẹ còn xác tín về đạo đức luân lý, thì khi nghe con trai con gái đột nhiên hỏi thế liền mặt mày tái mét và đứng yên như “chết trồng” tại chỗ và không biết phải nói sao nữa, hay hai tay ôm đầu ngạc nhiên: “trời ơi, con với cái…!” và tưởng chừng như ma trơi quỷ sứ đang từng đoàn ùn ùn kéo vào nhà mình vậy.

Khi phải đối mặt với những tình huống gây sốc như thế:

– tức khi con cái bước vào tuổi “Teen”, lứa tuổi đầy tràn sức sống với bao lý tưởng tốt đẹp cũng như bao ảo tưởng hão huyền, nhưng lại chưa có chút kinh nghiệm đời;

– tức khi con cái muốn thay đổi tất cả, kể cả những lý chứng hợp lý cũng như vấn đề đức tin và tôn giáo, thì các bậc cha mẹ cần phải phản ứng và hành động ra sao? Hay nói đúng hơn, cần phải giúp đỡ và góp ý với con cái như thế nào?

Trước khi trả lời cho những câu hỏi chí lý vừa được đặt ra, chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng thiếu tích cực của một số tuổi “Teen” ngày nay. Theo thống kê của các nhà tâm lý học và các nhà xã hội học, người ta nhận thấy rõ là càng ngày càng có nhiều thiếu nữ tuổi còn quá trẻ đã mang thai. Và những lý do của tình trạng thiếu nữ “trẻ con” mang thai thì có rất nhiều. Một trong những lý do quan trọng là những thiếu nữ lớn lên mà không có sự hiện diện của người cha trong gia đình, dậy thì quá sớm và cũng như có những thực hành về tính dục quá sớm, nên thường mang thai nhiều hơn là những thiếu nữ lớn lên trong những gia đình bình thường gồm có cha có mẹ. Đó là điều đã được các nhà nghiên cứu ở Hoa kỳ và ở Tân Tây Lan chứng minh cho thấy. Nguyên nhân có thể là vì không có cha, nên đứa bé gái chỉ chịu ảnh hưởng một chiều từ mẹ mà thôi, và rồi từ chỗ đó khi nhìn thấy mẹ tiếp xúc thân mật với hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, khiến nó trở nên tò mò và rồi bắt chước làm theo. Nhưng như đã nói, đó chỉ là một trong các lý do mà thôi.

Từ những điều vừa nêu lên, người ta có thể đi tới một nhận định chung là nếu một đứa trẻ, dù trai hay gái, hằng ngày phải sống trong một môi trường thiếu lành mạnh về luân lý đạo đức, hoặc qua phim ảnh hay báo chí dâm dật, hoặc do gương sống phóng túng của những người lớn, thì nó cũng sẽ không thể tránh được những ảnh hưởng tiêu cực do môi trường sống xấu ấy gây ra như thế. Và nếu những ảnh hưởng tiêu cực ấy quá mạnh, thì có thể cả những đứa bé của những gia đình có truyền thống Kitô giáo cũng bị lây nhiễm theo và hậu quả là xảy ra hiện tượng mang thai ngoài ý muốn nơi những bé gái tuổi “teen.”

Trong những trường hợp và tình huống tương tự, những thái độ và những điều cha mẹ cần có và cần làm là:

– Luôn luôn bình tĩnh, đầy lòng yêu thương và thông cảm đối với con cái, trong lời nói cũng như qua cử chỉ;

– Hãy nghĩ tới tuổi trẻ của mình năm xưa để dễ hiểu và thông cảm với con cái hơn;

– Luôn can đảm biết nuốt giận và tự chủ, chứ không la chửi hay dùng bạo lực với con cái. Đừng bao giờ quên rằng một giọt mật ong có thể mang lại nhiều hiệu quả tốt hơn một thùng dấm chua;

– Trong suốt thời gian dậy thì của con cái hãy biết nhìn đến những phương diện tích cực và đáng quý nơi chúng;

– Và sau cùng, đừng quên rằng cả là một đại họa cho toàn gia đình cũng như cho chính con cái, nếu vì do lầm lỗi của cha mẹ như quá tự ái, quá nóng giận hay thiếu tự chủ trong lời nói cũng như hành động, v.v…, mà để con cái bỏ nhà ra đi, hay nói cách khác, để mất con cái!

Không có nguyên tắc chung để giải quyết vấn đề

Trong những vấn đề phức tạp và rắc rối về con cái cũng như về gia đình tương tự như vừa nêu trên, không hề có một nguyên tắc chung nhất định để làm mẫu, hầu có thể dựa theo đó mà giải quyết mọi vấn đề một cách đồng bộ được.

Tuy nhiên, có ba suy tư sau đây có thể giúp các bậc cha mẹ liên hệ tìm ra được lối thoát khả dĩ chăng.

– Thứ nhất: Vấn đề có tính cách quyết định ở đây là các bậc cha mẹ này phải biết mình đã giáo dục con cái như thế nào từ trước tới nay: Với đầy đủ ý thức trách nhiệm hay vô trách nhiệm: chết sống mặc bay? Một cách hợp lý hay quá thả lỏng: khôn sống mống chết? Quá khắt khe? Hay: mục đích giáo dục con cái xưa nay là gì? Trong quá trình giáo dục con cái, có trích dẫn hay trình bày cho chúng những giá trị luân lý đạo đức khách quan của cuộc sống, cũng như những tấm gương lành thánh của các bậc thánh hiền và các vĩ nhân quân tử? Nếu những bậc cha mẹ thiếu giáo dục con cái về đạo giáo và đức tin vào Thiên Chúa, thì sẽ không thể đột nhiên bắt chúng chấp nhận ngay được các giáo huấn của Giáo Hội. Trong trường hợp cha mẹ giáo dục con cái một cách sai lầm và lệch lạc, họ nên tìm sự giúp đỡ từ các vị Linh Hướng hay các nhà chuyên môn.

– Thứ hai: Một điều rất quan trọng đối với câu hỏi được đặt ra ở đây là vấn đề cha mẹ có nên cho phép hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào con người và tuổi tác của cô bạn gái hay cậu bạn trai của con mình. Cô gái hay cậu trai kia thuộc loại người nào? Cha mẹ cần phải biết rõ điều đó. Và tất nhiên, ở đây người ta cũng cần phải nhận định được sự khác biệt hoàn toàn giữa hai trường hợp: đó là liệu cô con gái mới có 14 tuổi có được phép tự do mua thuốc ngừa thai hay không; và  cậu con trai 17 tuổi có được phép đưa bạn gái cùng đi nghỉ hè với gia đình hay không. Hai trường hợp mang hai cấp độ quan trọng khác nhau.

– Thứ ba: Các bậc cha mẹ đã nỗ lực đến đâu trong việc giải quyết những khó khăn này của con cái họ? Người ta phải biết rằng trước những vấn nạn này, mà tìm ra được một quan điểm đúng đắn cũng như một đường hướng rõ ràng và rồi kiên trì giữ vững được quan điểm và đường hướng ấy mãi trong nhiều năm tháng, để cùng đồng hành và giúp đỡ con cái – qua các cuộc hàn huyên đối thoại một cách cởi mở và chân thành, những giờ phút tâm sự thân mật và đầy yêu thương và nhất là những khoảnh khắc cùng nhau cầu nguyện – không phải là một vấn đề đơn giản và dễ dàng. Nó đòi hỏi phải có ý chí mạnh mẽ, sự kiên nhẫn và nhất là tình yêu to lớn đối với con cái, và dĩ nhiên còn cần phải có một đức tin sâu xa nữa.

Tóm lại, các bậc cha mẹ cần phải đối xử và lý luận ra sao khi con cái đến cùng mình với những ước muốn và những suy nghĩ của chúng? Trong trường hợp này, cũng hoàn toàn không có một nguyên tắc chung nào cả để làm mẫu cho việc giải quyết các khó khăn một đồng bộ. Trong mọi trường hợp và trong mọi hoàn cảnh, tình yêu thương và sự tin tưởng lẫn nhau là con đường duy nhất, thường rất dài và chật hẹp, sẽ dẫn mọi người đến một chân trời tươi sáng mong đợi. Điều đó cũng muốn nói rằng:

Tin tưởng thay vì kiểm soát

Một điều vô cùng quan trọng đối với tất cả thanh thiếu niên là chúng phải cảm nhận được rằng cha mẹ luôn hiểu và tin tưởng chúng cũng như luôn thông cảm với chúng. Những kiểu nói đầy giọng uy quyền “bao lâu mi còn có mặt trong cái nhà này, thì mọi sự phải do tao quyết định” hay: “con cái thì phải phục tùng cha mẹ” sẽ đầu độc mối tương quan cha-mẹ-con-cái. Cả những kiểu nói đầy kinh nghiệm sống như: “tự do quá hóa lộng hành” hay: “tin tưởng thì tốt, nhưng kiểm soát lại tốt hơn” chỉ để suy tư ngẫm nghĩ trong lòng, chứ không nên nói ra để lý luận với con cái, nhất là trong lúc đang xảy ra xung đột.

Cha mẹ cần phải luôn tự chủ trong lời nói cũng như qua thái độ của mình, hầu  có thể làm cho con cái tin tưởng và nhận thức được rằng, trong mọi nỗ lực cha mẹ thực hiện hay dự định là chỉ vì thương yêu và muốn tốt cho chúng, chứ không phải để theo dõi hay kiểm soát. Đây là một điều không dễ chút nào, nhưng lại là điều rất khả thi và cần phải thực hiện, với một sự bình tĩnh và một sự thông cảm tối đa.

Tiếp đến, các bậc cha mẹ cũng có thể giúp đỡ được con cái mới lớn của mình tìm ra được lối thoát cho sự khủng hoảng của tuổi trẻ, bằng cách chân thành kể cho chúng nghe những kinh nghiệm về cách suy tư, về các mơ ước cũng như về các cảm xúc hay tình cảm của mình khi còn trong tuổi thanh xuân như chúng nó hôm nay. Đồng thời cũng nói cho chúng biết những gì thực sự là thực tiễn và những gì chỉ là mơ mộng của tuổi trẻ mà thôi. Hay nói cách khác, cha mẹ cần thành thật chia sẻ cho con cái biết những gì trong các mơ ước của tuổi trẻ năm xưa họ có thể hiện thực được và những gì thuần túy chỉ là ảo giác và hoàn toàn bất khả đạt. Nhưng tất cả còn tùy thuộc vào mối tương quan giữa cha mẹ và con cái trong gia đình như thế nào nữa, thân tình và tin tưởng hay lạnh nhạt và nghi ngờ!

Ở đây người ta cũng không nên bỏ qua một ghi nhận rất đáng lưu ý, đó là một số rất nhỏ các bậc cha mẹ xưa kia khi bước vào đời sống hôn nhân hãy còn là những con người “nguyên vẹn” và họ đã trao cho nhau cái “quý báu nhất” của đời mình, nhưng ngày nay khi giáo dục những đứa con vào tuổi “teen” của mình, họ lại sợ rằng con cái họ thiếu những trải nghiệm cần thiết về tính dục.

Thuốc ngừa thai và điểm giao lưu bạn bè

Mặc dù ở các nước Âu Mỹ, các bé gái vào tuổi 14 đã được phép tự đi mua thuốc ngừa thai và không cần sự đồng ý của cha mẹ nữa, nhưng cô bé vẫn thường hỏi ý kiến của mẹ cha về việc làm đó. Phải chăng hành động ấy là bằng chứng cụ thể cho thấy chính trong thời đại tự do cá nhân quá trớn hôm nay sự tin tưởng giữa cha mẹ và con cái vẫn còn đó?

Câu trả lời là tích cực. Thật đáng lạc quan biết mấy! Nhưng đàng khác, chúng ta cũng đừng quên rằng sự tin tưởng ấy giữa cha mẹ và con cái không hề là một điều đương nhiên, một điều luôn phải như thế, mà là kết quả của một sự nỗ lực không ngừng của mọi thành viên trong gia đình, nhất là của cha mẹ: luôn biết vun trồng và thăng tiến nó mỗi ngày. Nói cách khác, các bậc cha mẹ hãy luôn biết đặt để cuộc sống hạnh phúc đầm ấm của gia đình và tương lai của con cái lên hàng đầu, chứ không phải danh dự hay sự tự ái cá nhân của mình. Trái lại, những la mắng trách móc mang tính chất giáo điều một cách vô lý: “Không có “nhưng mà” gì cả. Tao đã nói không là không”  thường chỉ làm cho sự tin tưởng giữa cha mẹ và con cái xấu đi, có khi còn làm tan vỡ luôn.

Trong khi đó, thay vì trách móc la mắng và làm cho con cái sợ, cha mẹ có thể thân mật trò chuyện với con cái và nhẹ nhàng hỏi: “Tại sao con muốn điều đó? Con thực sự muốn điều đó sao? Bạn trai con cũng muốn như vậy sao? Các bạn bè con nghĩ thế nào?” Nếu các bậc cha mẹ biết tình tĩnh và thân mật trò chuyện hỏi han con cái như thế, và đồng thời đưa ra những lập luận và những lý do thật chính đáng, cụ thể và hợp lý để cho chúng biết là tại sao chúng không nên làm như vậy và tại sao mình không đồng ý chuyện ấy, có lẽ sự việc sẽ đơn giản và hòa nhã hơn, và nhất là đã không “dồn con cái vào chân tường.”

Trong tác phẩm “Auf dich kommt es an” (Điều đó tùy thuộc con) của bà, Christa Meves, một nhà chuyên môn người Đức về việc giáo dục và tư vấn cho thanh thiếu niên, đã viết: “Dĩ nhiên, trong lứa tuổi của các cháu, sự sung sướng trào dâng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong khi các cháu trải nghiệm thực sự những cảm xúc luyến ái. Nhưng quan trọng nhất là sự đòi hỏi muốn hiện thực những cảm xúc ấy, điều mà người  ta lại hay coi thường hoặc giữ thái độ thinh lặng. Người ta có thể thích ứng nhanh chóng với những gì mà đa số các bạn trong nhóm cùng trang lứa ở nhà trường hay ở điểm bạn bè tụ tập gặp gỡ nhau cho là đúng. Hiện tượng các bạn trong lớp của cháu nhuộm tóc đủ màu sắc đã nói lên sở thích của đa số tầng lớp trẻ ngày nay, và cũng chính sở thích ấy sẽ đưa đẩy họ không lâu sau đó sử dụng các vấn đề liên quan đến tính dục, hoàn toàn tương tự như vấn đề nhuộm tóc hay cái hộp đựng đồ trang điểm của họ vậy, dựa theo khẩu hiệu: “Đã đến lúc phải sử dụng…!” Nghĩa là người ta làm như thể đối với tầng lớp trẻ các cháu những điều thuộc tính dục đã sẵn sàng trải bày ra trước mắt để mặc sức tự do lựa chọn, tựa như tại một tiệm buôn mà mọi người được mặc sức tự do muốn lấy gì thì lấy, và với một vẻ mặt tươi vui khuyến khích: “Các bạn hãy xem đây, tất cả những thứ này các bạn đều có thể lấy. Vậy, cứ tự do lấy đi, đừng ngại ngùng gì cả. Các bạn cứ nếm thử cho biết điều gì làm các bạn ngon miệng.”

Thuốc ngừa thai và sức khỏe

Quả là một nhận định hoàn toàn sai lầm, lệch lạc và chủ quan khi đánh giá các bậc cha mẹ là “lạc hậu”, “không thức thời” hay “thiếu tiến bộ”, khi các ngài luôn biết thương yêu bảo vệ con cái họ bằng cách cắt nghĩa giảng giải cho chúng hiểu và xác tín được rằng việc biết giữ mình và xa tránh những quan hệ tính dục một cách tự do phóng túng giữa trai gái là một phương pháp tốt và chắc chắn nhất trong việc “phòng tránh” mang thai ngoài ý muốn, bệnh xi-đa và các chứng bệnh nguy hiểm khác do hành động trụy lạc ấy gây ra.

Một hậu quả quá hiển nhiên có liên quan đến sức khỏe con người, mà không ai có thể phủ nhận được, đó là  khi một thanh niên thiếu nữ có quan hệ tính dục thường xuyên một cách quá sớm, chắc chắn về sau sẽ phải hứng chịu những hậu quả rất tồi tệ và nguy hiểm cho sức khỏe. Và một thiếu nữ dùng thuốc ngừa thai quá sớm và thường xuyên, thì sau này sẽ rất khó thụ thai khi lập gia đình. Trong khi đó những tài liệu nghiên cứu có liên quan tới những tình trạng nguy hiểm này, hầu như không có. Đó quả thật là một thiếu sót vô cùng tai hại cho cả xã hội.

Ngày nay, khi cầm một hộp thuốc trên tay người ta luôn đọc thấy hàng chữ ghi là khi sử dụng thứ thuốc đó rất có thể gặp phải những tác dụng phụ; còn các bác sĩ phẫu thuật thì luôn thông báo cho các bệnh nhân biết là các ca mổ của họ đều rất có thể gây ra những hậu quả này nọ. Trong khi đó, về lãnh vực tính dục, một lãnh vực quan trọng có liên quan đến rất nhiều phương diện của cuộc sống con người, như sức khỏe, nhân cách, luân lý đạo đức và tương lai dòng giống, v.v…, thì những nhà chuyên môn lại coi thường và không hề nhấn mạnh tới trong các thống kê của họ. Tại sao? Câu trả lời cho thắc mắc “tại sao” này, người ta có thể tìm thấy trong tác phẩm của tiến sĩ Christa Meves với những dòng này: “Người ta hành động như thế là cốt để đánh lừa các cháu (…) Theo sự khảo sát của tôi thì sự thể hoàn toàn khác hẳn. Hầu như tất cả đều lo sợ bị dính thai, và sự lo sợ ấy là điều dễ hiểu, còn cái gọi là “làm tình cách chắc chắn” thì trên thực tế lại chẳng có gì được gọi là bảo đảm chắc chắn cả. Vì thế, hậu quả tiếp liền sau đó là những đêm dài nằm thức trắng, ở nhà trường thì chẳng thể nào cầm trí học hành được, dĩ nhiên không vì chuyện yêu đương, nhưng vì nỗi ám ảnh ít nhất là qua 14 ngày sau đó: “Nếu bây giờ nhỡ … bị dính thai thật thì làm sao đây?”

Bởi vậy, điều cần thiết mà các bậc cha mẹ cần phải làm là hãy ngồi lại thân mật và vui vẻ hàn huyên nói chuyện với con cái một cách hoàn toàn cởi mở và thẳng thắn về các yếu tố cũng như thực trạng cụ thể của đời sống con người, như: Về tình yêu và tính dục, về nhân cách và việc quan hệ trai gái, về sự truyền sinh và tình trạng thể lý chưa trưởng thành đủ với những hậu quả tiêu cực khó tránh sau này, về sự đòi hỏi tự nhiên của tính dục và việc giữ mình trước sự quan hệ tính dục, về các cám dỗ mời mọc, sự yếu đuối sa ngã và việc làm mới lại từ đầu, về trách nhiệm của cha mẹ trước mặt Thiên Chúa cũng như đối với xã hội trong các sai lầm và lỗi phạm của con cái, về lương tâm con người và những giáo huấn luân lý khôn ngoan của Giáo Hội, về bổn phận phải làm gương sáng cho các em còn nhỏ, về nguyên tắc sống chung và trật tự trong gia đình mà tất cả mọi gia đình đều cần phải có, nếu họ muốn cuộc sống chung của gia đình họ được hạnh phúc và đầm ấm. Đó là những yếu tố cần thiết mà các con cái cần phải hiểu rõ và tôn trọng.

Và một điều quan trọng khác nữa mà các bậc cha mẹ cũng đừng bỏ qua, đó là việc giúp cho con cái mới lớn hiểu rõ rằng chúng nó luôn dễ bị ảnh hưởng của môi trường sống chi phối, và nhất là giúp cho chúng xác tín được rằng việc quan hệ tính dục không hề là bằng chứng của tình yêu bạn bè chân thật. Kể cả các thanh niên thiếu nữ mới lớn, vốn từng được giáo dục cẩn thận theo tinh thần Kitô giáo, cũng cần phải được nhắc bảo và góp ý trong vấn đề chọn lựa cách thức sống hợp lý trong tương lai. Chính trong các giờ học giáo lý nói chung, đặc biệt trong các giờ giáo lý chuẩn bị chịu Phép Thêm Sức nói riêng, các thanh niên thiếu nữ cần được học hỏi kỹ càng các giáo huấn của Giáo Hội, sự quan trọng và các trách nhiệm kèm theo của sự quan hệ tính dục cũng như của các phương pháp ngừa thai. Trong điểm này các bậc cha mẹ phải là những giáo lý viên đầu tiên và có trách niệm chính trong việc dạy giáo lý cho con cái mình, chứ không được hoàn toàn khoán trắng cho các thầy cô giáo lý viên ở nhà trường hay ở trung tâm giáo xứ một mình được.

Trong những giờ phút hàn huyên tâm sự thân mật trong gia đình chắc chắn sẽ tạo nên được một bầu không khí vui tươi và tin tưởng giữa cha mẹ và con cái. Và nhờ bầu không khí cởi mở và tin tưởng trong gia đình như thế, con cái sẽ dễ hiểu, dễ thông cảm và dễ chấp nhận được quan điểm của cha mẹ, nhất là sẽ giúp cho chúng nó nhận ra rằng những lời dạy dỗ và khuyên bảo về đường ngay lẽ phải của cha mẹ không hề có ý kiểm soát hay cấm cản chúng trước những gì làm cho chúng vui thích, nhưng là do lòng thương yêu và trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ đối với con cái, tức chỉ muốn tốt và muốn cho con cái luôn thực sự được hạnh phúc mà thôi, nên mới chăm sóc và lo lắng cho chúng như thế.

Thật là quá đơn giản và dễ dàng cho cha mẹ, nếu như các ngài luôn gật đầu đồng ý cho con cái được sống và làm tất cả những gì chúng nó ưa thích, chứ không cần phải vất vả lo âu để tìm đủ mọi cách lý luận và phân tích thế này thế kia về tốt xấu hay phải trái cho con cái hiểu, kể cả khi cần còn phải cấm cản nữa. Nhưng trách nhiệm thiêng liêng và trọng đại của cha mẹ luôn đòi hỏi các ngài phải nỗ lực tạo điều kiện cho gia đình luôn có được một bầu không khí đầy tin yêu và cởi mở, kể cả khi con cái chẳng những tỏ ra bất đồng ý kiến với cha mẹ, không muốn vâng nghe theo quan điểm của cha mẹ, mà còn muốn tránh mặt cha mẹ nữa.

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng dù bên ngoài con cái có tỏ ra vùng vằng, bất tuân và khó dạy thế nào đi nữa, thì tận đáy lòng mỗi đứa con luôn dấu ẩn một niềm khao khát cháy bỏng được hít thở một bầu không khí gia đình đầy yêu thương ấm cúng và cha mẹ luôn là chốn cậy dựa tựa nương của nó trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Bình thường thì không một đứa con nào có thể đột nhiên coi thường hay cư xử tệ bạc với cha mẹ mình, nếu không vì một lý do sâu xa nào đó đã âm ỉ đục khoét và ăn mòn mối tình thiêng liêng cao cả tự nhiên giữa cha mẹ và con cái. Và chính vì tất cả những điều ấy, tức vì tình yêu và trách nhiệm thiêng liêng cao cả của cha mẹ đối với con cái, mà các ngài không được phép luôn luôn gật đầu đồng ý một cách vô trách nhiệm, trước khi tìm hiểu các ước muốn của con cái có chính đáng hay không.

Nhưng nếu cha mẹ hành động ngược lại thì sao? Dĩ nhiên, uy quyền, sự ngăn cấm và thái độ nghiêm ngặt của cha mẹ là những yếu tố quan trọng trong việc giáo dục con cái. Nhưng các bậc cha mẹ cũng đừng quên rằng trong lãnh vực tính dục, thì sự cấm cản thái quá và sự nghiêm khắc không hợp lý có thể sẽ gây ra sự tò mò cho con cái và tạo nên sự khiêu khích đối với chúng. Trong trường hợp này, các bậc cha mẹ cần nhớ lại xưa kia khi các ngài vào lứa tuổi con cái các ngài ngày nay, các ngài đã phản ứng và hành động ra sao trước các ngăn cấm của cha mẹ mình. Điều này có thể giúp các bậc cha mẹ hành động và đối xử hợp lý hơn đối với con cái mình.

Theo tâm lý tự nhiên của tầng lớp thanh thiếu niên, thì sự ngăn cấm thái quá sẽ làm cho chúng có mặc cảm là cha mẹ vẫn coi chúng là “trẻ con”; trong khi đó, việc hàn huyên chuyện trò thân mật và cởi mở với con cái sẽ động viên được chúng rất nhiều và nhất là làm cho con cái cảm thấy cha mẹ tôn trọng chúng và thực sự coi chúng là “người lớn.” Từ chỗ xác tín được như vậy, con cái sẽ cảm nhận được rằng thái độ phải thận trọng tối đa đối với vấn đề tính dục là sự quyết định của bản thân chúng, chứ không phải là việc “vâng lời mú quáng.”

Tham Vấn Tâm Lý