Dù có rẽ hướng, nhưng nếu có cách ứng xử văn minh, đặt con cái lên hàng đầu thì cả hai ít ra vẫn còn tình bạn, còn tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con. Nhiều cặp đôi sau khi chia tay vẫn là bạn tốt của nhau, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái. Rời cuộc hôn nhân tưởng chừng mãi mãi, trái với cảm giác lo lắng buồn khổ, nhiều người trong cuộc chia sẻ họ cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa (giảng viên trường đại học KHXH và NV thành phố HCM), trên 70% gia đình trẻ tan vỡ khi đã có con khiến cho mỗi năm có tới 50.000 trẻ em chịu cảnh thiếu cha hoặc mẹ. Và có khoảng 30% trẻ em bỏ nhà đi bụi xuất phát từ những cuộc ly hôn này. Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình bố mẹ chia tay nhau thường bị chấn thương tâm lý rất nặng, nhất là nếu chúng còn nhỏ. Trẻ con không hiểu được, không phân biệt nổi ai đúng, ai sai trong “tai nạn” này. Hậu quả là chúng thường bị mất cân bằng cuộc sống. Đó là chưa kể tới việc sau khi chia tay, vì “ân đoạn nghĩa tuyệt” mà nhiều khi người trong cuộc còn lấy con cái như một “vũ khí” để chống lại người kia bằng cách thường xuyên bịa đặt, nói xấu chồng (vợ) cũ với con.

Một “hậu quả” khác của ly hôn mà chính người trong cuộc hiểu rõ hơn ai hết, đó là “dư chấn tâm lý nặng nề” in hằn trong mỗi người. Không thể phủ nhận ly hôn thực sự là một dấu mốc bi kịch trong cuộc đời ai đó, bởi sau ly hôn, người ta không chỉ phải đối mặt với gánh nặng kinh tế do khối tài sản chung đã chia đôi…, với nỗi lo toan cho con cái, sự trăn trở khi bắt đầu lại cuộc đời mà hơn hết, còn là nỗi buồn, sự hoang mang và nỗi cô đơn đáng sợ.

Theo số liệu nghiên cứu ở Anh quốc có đến 90 % đàn ông bị trầm cảm sau ly hôn. Tuy không thể lấy con số ở Anh để tham chiếu ở Việt Nam nhưng không thể phủ nhận ảnh hưởng tâm lý nặng nề của ly hôn đối với người đàn ông.

Tham Vấn Tâm Lý