Điều tuyệt vời và đúng đắn nhất cha mẹ cần chuẩn bị cho trẻ chính là tâm thế thoải mái trước khi bước vào môi trường mới, khích lệ con học tập qua việc tạo động lực cho trẻ.

“Để con học thật tốt, bố mẹ chỉ việc cười thật tươi”

“Cung cấp cho con tâm thế vui vẻ, đó là xuất phát tốt nhất. Vạn sự khởi đầu nan, nếu con từ đầu đã sợ hãi sẽ không học tốt được. Nếu chúng ta làm cho con vui vẻ và muốn học, muốn tiếp nhận kiến thức thì kết quả sẽ tốt”.

Bởi vậy, muốn phát huy bộ não muốn trẻ học tập thì cha mẹ phải tạo môi trường vui vẻ, thân thiện, tích cực, an toàn cho trẻ.

“Mỗi ngày việc đơn giản của bố mẹ chỉ là cười thật tươi. Đi làm về gặp con là cười, trút hết stress trước khi bước vào cánh cửa nhà. Cha mẹ quản lý cảm xúc tốt sẽ giúp con học tập tốt”, bà Vân Anh chia sẻ.

Các chuyên gia tâm lý có lưu ý thêm, bố mẹ không cần quá lo lắng nếu con vào lớp 1 nhưng viết chưa đẹp, học Toán chưa giỏi. Đó là điều rất bình thường.

Bởi lẽ, mỗi đứa trẻ đều có 9 loại hình thông minh nhưng chỉ số của loại thông minh ở mỗi đứa trẻ là không giống nhau. Có đứa trẻ nói nhiều (thông minh ngôn ngữ), vẽ giỏi (thông minh không gian), giỏi Toán (thông minh logic), thích nghịch ngợm chạy nhảy (thông minh vận động)…

Một đứa trẻ nhút nhát chưa hẳn không tốt. Nhút nhát là biểu hiện của loại hình thông minh nội tâm, những đứa trẻ nhút nhát có ưu điểm là cảnh giác cao trước người lạ.

Mỗi đứa trẻ thông minh theo cách của mình. Cha mẹ tuyệt nhiên không nên so sánh con với đứa trẻ khác.

Bí quyết đồng hành cùng con

Các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, đồng hành cùng con sẽ hiệu quả gấp nhiều lần so với dạy con. Bí quyết để đồng hành cùng con vào lớp 1 là thấu hiểu. Muốn thấu hiểu con thì trước hết phải tạo thiện cảm.

Theo chuyên gia Trần Vân Anh, muốn tạo thiện cảm với con thì cha mẹ nên lưu ý: một là cười với con, hai là khen ngợi khích lệ chúng, ba là hỏi trẻ nhiều hơn và bốn là lắng nghe trẻ… Đừng mắng khi con hỏi nhiều, đừng dập tắt niềm vui khi con đang say mê kể chuyện dù có thể với người lớn, những câu chuyện bé kể rất dài dòng và chẳng có gì quan trọng.

Thay vì dắt con đến gặp cô giáo lớp 1 và nói “cô chú ý giúp kèm cháu, con nhà tôi nhát lắm”, cha mẹ nên loại bỏ cụm từ “nhút nhát” ra khỏi từ điển và thường xuyên khích lệ con bằng các cụm từ “con tự tin”, “con tuyệt vời”, “mẹ tin con làm được”…

Chuyên gia Hoàng Thị Kim Huệ khuyên các bậc cha mẹ hãy xin nghỉ làm, đưa con đi tựu trường lớp 1 và làm cho con cảm nhận được sự đặc biệt của dấu mốc này bằng một món quà hay bữa tiệc nhỏ. Đồng hành cùng con, phụ huynh là người tạo động lực tự nhiên giúp trẻ học tốt, nuôi dưỡng đam mê, để con được vui vẻ và muốn khám phá tri thức thay vì dọa nạt, áp gánh nặng kiến thức lên đầu trẻ.

Tham Vấn Tâm Lý