Khủng hoảng tuổi dậy thì thực tế là quá trình “chiến đấu, giao tranh” diễn ra mãnh liệt trong tâm lý các bạn trẻ.

Nó là quá trình đấu tranh giữa sự lớn nhanh, nhảy vọt về mặt cơ thể với sự học hỏi phát triển nhận thức, điều chỉnh cảm xúc. Những thay đổi nhanh, mạnh những không đồng đều về mặt thể chất của trẻ khiến cho trẻ có những bất ổn trong tâm lí. Như việc phát triển nhanh của hệ xương nhưng cơ lại phát triển chậm hơn làm cho trẻ lóng ngóng, vụng về, dễ đổ vỡ, từ đó làm nảy sinh sự tự ti. Bạn có thể quan sát thấy một số bạn nữ ở đội tuổi này trong trường mình, mặt rất xinh, da trắng, cao ráo dáng đẹp nhưng dáng đi cứ như bị gù- đó là do bạn đang ngượng ngùng về chiều cao của chính mình nên cố cúi đầu thật thấp để mong mình không phải là bạn cao nổi bật ^^.

Nó là quá trình đấu tranh giữa những lời dạy bảo của cha mẹ về mọi lãnh vực: đạo đức, nghề nghiệp, tôn giáo, tình yêu, hôn nhân, cách cư xử đối với bạn trai, bạn gái từ lúc nhỏ… với những cái các bạn tiếp xúc phim ảnh, sách báo, nói chuyện cùng nhau ở lứa tuổi này- các bạn phát hiện ra hình như những điều này không còn là những giáo điều luôn luôn đúng như các bạn vẫn nghĩ khi còn ở lứa tuổi nhỏ hơn nữa. Các bạn trở nên hoài nghi, thách đố, biện luận và chống đối.

Nó là quá trình đấu tranh giữa các tiêu chuẩn đạo đức hình mẫu “con ngoan- trò giỏi” đã được bố mẹ hướng dẫn từ nhỏ với sự lôi kéo của bạn bè, nhu cầu được chấp nhận “trong nhóm”.

Nó là quá trình đấu tranh giữa suy nghĩ mình đã lớn rồi, mình tự làm được, mình có quyền quyết định với thực tế bạn vẫn được ba mẹ nuôi, phụ thuộc về kinh tế, nhà ở, quyền giám hộ về mặt pháp lý. Dấu hiệu của tuổi dậy thì làm cho trẻ có cảm giác mình là người lớn và trong tâm lí học gọi đó là “cảm giác người lớn”. Chính điều này, làm nảy sinh xung đột giữa trẻ và người lớn khi trẻ thì cho rằng mình đã là người lớn còn các bậc phụ huynh thì vẫn coi trẻ là trẻ con do đó đối xử với trẻ như khi trẻ ở cấp 1, trong khi trẻ mong muốn được đối xử như người lớn.

Nó còn là sự đấu tranh ngay trong chính bản thân các bạn trẻ để trả lời cho câu hỏi mình là ai, mình sống để làm gì, lý tưởng sống của mình là gì. Chính trong quá trình này quan niệm triết lý, giá trị cuộc sống, được các em suy tư một cách triệt để để thành lập cá tính.

Tham Vấn Tâm Lý