Thương hiệu Đức Phát một thời dường như thống lĩnh làng bánh Sài Gòn. Còn ông chủ Kao Siêu Lực xứng đáng được phong “vương” khi sáng chế ra hơn 400 loại bánh. Đã có lúc thất thế, tưởng chừng trắng tay, nhưng niềm khát khao yêu nghề một lần nữa đưa “vua bánh” từng bước trở lại vinh quang.

Năm 2007, vụ ly hôn của ông bà chủ Đức Phát thu hút sự chú ý của dư luận. Ngoài một thương hiệu bánh nổi tiếng, giới kinh doanh và người tiêu dùng còn quan tâm đến số phận của “Vua bánh ” Kao Siêu Lực

Thương hiệu chia ly

Giới làm bánh Sài Gòn nói với nhau rằng, một người làm ăn như ông Lực có lẽ chỉ biết làm việc. Chưa bao giờ thấy ông tham gia các cuộc chơi của các “đại gia”. Hầu hết thời gian ông dành cho công việc xuống xưởng hướng dẫn thợ, vào phòng mày mò nghiên cứu, hoặc chạy tìm địa điểm phát triển cửa hàng.

Kao Siêu Lực, người tạo ra cả 2 thương hiệu bánh nổi tiếng Đức Phát và ABC Bakery

Một người thân có nhiều năm làm việc với ông Lực cho biết, ông là người kiếm tiền chính trong gia đình, nhưng vợ ông lại là người quản lý việc chi tiêu. Thật thà đến mức, một ông chủ lớn như ông lại không mở cho mình một tài khoản riêng. Ông không biết mình quá phụ thuộc vào vợ.

Rồi nhưng vết rạn nứt trong quan hệ vợ chồng sau hơn 20 mươi năm gắn bó bắt đầu xuất hiện. Người vợ bắt đầu siết chặt chi tiêu. Một lần ông Lực đề nghị vợ chi một khoảng tiền cho qũy từ thiện. Bà thẳng thừng từ chối.

Lúc này, ông chỉ còn biết dựa vào xưởng sản xuất mà ngày ngày ông vẫn trọn làm nơi “trú ẩn”, bởi toàn bộ 20 cửa hàng mang thương hiệu Đức Phát đều do vợ nắm giữ. Nhưng lợi nhuận từ xưởng sản xuất chẳng được là bao, nguồn thu chính vẫn là từ hoạt động kinh doanh của 20 cửa hàng nói trên.

Ngày ra tòa ký đơn ly dị, ông chỉ có trong tay 400 USD, trong khi thương hiệu Đức Phát lại thuộc về vợ ông, bởi thuở hàn vi ông đã tin yêu lấy tên vợ để đặt tên. Đau đớn, uất ức, đã có lúc ông phải nhập viện vì suy sụp tinh thần. Nhưng 3 đứa con, hơn 1.000 công nhân, bạn bè, đối tác đã níu chân ông lại.

Ngày ra tòa, hai vợ chồng ông thỏa thuận sẽ tự chia tài sản; toà chỉ xử việc phân chia thương hiệu. Ông bà chủ Đức Phát đồng ý chia đôi mỗi người 10 cửa hàng, nhưng thương hiệu Đức Phát thì hơi khó. Vợ ông đề nghị chia thành Đức Phát 1, Đức Phát 2. Nhưng ông Lực quyết định chọn cho mình tên thương hiệu là Đức Phát-Vina Bread.

Tuy nhiên, sự phân chia này không ổn, vì hệ thống nhận diện của 2 thương hiệu có quá nhiều điểm trùng lắp. Nếu một bên kinh doanh không tốt, bên còn lại chắc chắc bị ảnh hưởng do người tiêu dùng dể bị nhầm lẫn. Cuối cùng, 2 bên thỏa thuận chỉ một người giữ thương hiệu Đức Phát và phía nhận phải trả cho phía mất thương hiệu 1 triệu USD.

Sau khi suy tính, bà chủ Đức Phát đồng ý trả 1 triệu USD và giữ lại thương hiệu. Còn với ông Lực, 1 triệu USD là số vốn kha khá để khởi nghiệp lại. Số tiền này phần lớn được ông đầu tư xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu mới và xây thêm 6 cửa hàng.

Dù không thể quên nỗi đau mất “đứa con” mà ông đã dày công nuôi nấng trong 20 năm trời, nhưng nỗi đau đó đã không biến thành thù hận. Khi có kết quả phân xử của toà án, với các phân xưởng thuộc quyền quản lý của ông, lẽ ra Kao Siêu Lực có thể cắt nguồn cung cấp bánh cho các cửa hàng của vợ cũ. Nhưng ông vẫn chờ đến khi bà xây dựng xong xưởng mới và ổn định nhân sự rồi mới ngưng cung cấp bánh.

Có lẽ là các nhà phân phối lâu năm của Đức Phát là những người bị ảnh hưởng xấu nhất từ cuộc chia tay này. Việc chia đôi tài sản tất nhiên cũng dẫn đến việc tách đôi số nhân viên, quản lý và thợ làm bánh lành nghề. Các đối tác làm ăn lâu nay với Đức Phát cũng phải lựa chọn hợp tác với một trong hai bên hoặc với cả hai.

Người đến từ cõi chết

Ba mươi năm trước, cộng đồng người Hoa ở khu vực Quận 6 và quận 11 (thành phố Hồ Chí Minh) đón nhận thêm một gia đình chạy nạn từ Campuchia sang. Đó là gia đình của Kao Siêu Lực.

Đến tận hôm nay, trong những cuộc trò chuyện, khi đề cập đến điều gì quá bức xúc, ông Lực thỉnh thoảng lại bật lên câu “làm gì mà như Pôn Pốt thế !”. Pôn Pốt, Campuchia, những ký ức đau buồn và dai dẳng bám theo Kao Siêu Lực. Campuchia chính là quê hương của ông chủ doanh nghiệp Á Châu. Ở đó, ông từng sống trong một gia đình khá giả tại thủ đô PhnomPenh, có cha là một thương gia gốc Hoa khá nổi tiếng.

Năm 1975, Campuchia xảy ra biến động, nhiều người từ Campuchia đã tìm đường đến Việt Nam. Gia đình Kao Siêu Lực cũng muốn đến Việt Nam nhưng không biết cách nên phải chạy trốn về nông thôn. Cũng trong năm đó, cha anh qua đời vì cuộc sống quá thiếu thốn.

Cuộc sống với sự kềm kẹp của chính quyền diệt chủng Pôn Pốt không khác gì cực hình. Mỗi ngày đi làm, gia đình anh cũng như hàng ngàn người khác đều nhìn vào những lỗ huyệt đào sẵn, như chờ đợi đến lượt mình…

May mắn thay, năm 1979, Campuchia được giải phóng khỏi bàn tay diệt chủng và cả gia đình Kao Siêu Lực tìm đường đến thành phố Hồ Chí Minh. Không tài sản, không biết tiếng Việt, chàng trai 20 tuổi Kao Siêu Lực phải làm đủ nghề để nuôi sống gia đình. Vốn được học từ cha nghề cơ khí, thiết bị phụ tùng xe hơi, nhưng lúc đó ở Việt Nam, ngành nầy chưa phát triển, Kao Siêu Lực đành chọn công việc chạy xe ba gác thuê. Ban ngày không mượn được xe, anh đành chờ đến 7 giờ tối mượn xe của người quen chạy đến tận 12 giờ đêm. Do không biết tiếng Việt, anh chỉ biết xòe tay nhận tiền của khách mà chẳng nghề kỳ kèo. Bốn tiếng chạy xe thuê mỗi ngày không đủ nuôi sống mẹ và 3 đứa em. Thế là không về nhà, anh ngủ luôn trên xe, chờ cho các lò bánh mì ra bánh vào lúc 5 giờ sáng để nhận bánh mang đi bán.

Sau 3 tháng chạy xe thuê, đã biết chút ít điểm mua bán, anh chuyển sang bán gạo. Thời điểm đó, chất lượng gạo không tốt, người mua luôn phải ăn gạo bị pha lẫn tạp chất. Thế là, anh sắm chiếc nia để sàng gạo. Hình ảnh một thanh niên ngồi sàng gạo đã gây tò mò và thu hút nhiều khách hàng. Không có tiền mua cân, anh dùng lon sữa bò đong gạo, nhưng trọng lượng luôn đúng, giá cả lại hợp lý.

Những năm 1979-1980, Việt Nam còn nhận viện trợ bột mì từ nước ngoài. Rất nhiều người đem bột mì đi đổi lấy gạo vì ăn không quen. Anh đứng ra mua và đem bỏ cho các lò làm bánh. Lúc đó, anh phát hiện mình có một biệt tài là phân loại bột rất nhanh và chuẩn xác. Các lò bánh rất thích mua bột của anh vì để làm được bánh ngon, chọn đúng loại bột. Giá bột anh giao cho các lò bánh cũng khá rẻ.

Nhưng một lần, sau khi giao bột cho một lò bánh, người thợ chính nơi đó nói rằng, một người khác đã đến giao bột với giá cao hơn của anh, nhưng chất lượng cũng tốt hơn. Anh đem chuyện này hỏi chủ lò bánh và cam đoan nếu bột của mình kém hơn sẽ không cung cấp hàng nữa. Khi quay lại để xem kết quả, ông chủ lò bánh thông báo bột của anh kém xa bột của người kia. Sau khi tìm hiểu anh biết người giao bột đã thông đồng với thợ làm bánh để “hất” anh ra. Lúc đó, anh đã thề rằng, nếu sau này có mở cơ sở làm bánh, nhất thiết phải đi lên từ vị trí người thợ để không quá phụ thuộc vào người khác.

Từ anh giao bột đến ông chủ

Không cam phận làm người giao bột, anh bắt đầu đến các lò bánh để học cách làm bánh. Và bánh bông lan là thử nghiệm đầu tiên của anh.

Vốn có kiến thức về cơ khí, anh đưa ra ý tưởng rồi đặt hàng làm máy đánh trứng loại lớn. Trớ trêu thay, máy nhỏ thì làm được, nhưng máy lớn đánh trứng lại không nổi. Một lần, nằm nhìn lên trần nhà, anh thấy để cánh quạt tạo ra gió mạnh, các cánh phải được cắt xéo. Thế là chỉ cần thay đổi chút ít, chiếc máy đánh bột lớn đã ra đời.

Thời gian đầu, anh chỉ dám làm 3 thùng bánh và trực tiếp đi giao hàng. Một tháng sau, các tiệm bánh giới thiệu cho nhau, số lượng bánh tăng lên 20 thùng. Bánh làm ra không đủ bán, anh không còn phải đi giao hàng nữa mà người mua đã đến tận nhà của anh để lấy hàng.

Ngoài các tiệm bánh tư nhân, anh còn giao bánh cho Phòng Lương thục quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Một lần, lãnh đạo nơi đây gọi anh lên bảo, bánh của anh ngon, nhưng nếu cứ đặt cơ sở trong hẻm thì rất ít người biết tới. Sau đó, Phòng Lương thực quận giúp anh một địa điểm trên đường 3 tháng 2. Lúc này, anh bắt đầu nghĩ đến một cái tên cho cửa hiệu để dễ giao dịch. Nam 1987, anh lấy tên vợ là Đức Phát để đặt cho cửa hiệu với mong muốn “lấy đức để phát”.

Một cửa hiệu lớn không thể chỉ bán một thứ bánh là bánh bông lan. Lúc này, các cơ sở làm bánh mì lại quá nhiều. Nhớ đến thời còn ở Campuchia, anh từng được ăn loại bánh mì ngọt croissant của Pháp. Dựa vào trí nhớ và tưởng tượng, anh mày mò làm. Sau 5 ngày thử nghiệm, làm hỏng mất 7 mẻ bột, đến ngày thứ 6, chiếc bánh croissant đầu tiên đã ra đời. Chỉ sau 2 giờ, 24 chiếc bánh croissant đã bán sạch trơn. Sáng sớm hôm sau, khách hàng đã đến hỏi xem bánh đã ra lò chưa. Và 2 tuần sau, khách hàng đã đặt trước 200 chiếc.

200 chiếc bánh croissant đã khiến anh tự tin thuê 3 nhân công và dạy họ làm bánh. “Tôi nói với học trò, nghề này không bao giờ sợ lỗi thời. Điều này đã thôi thúc họ làm việc và học hỏi rất chăm”, ông kể.

Năm 1992, anh mở thêm một tiệm bánh trên đường Nguyễn Du quận 1, mở đường lên ngôi “Vua bánh” ờ Sài gòn.

Đức Phát và tuyệt phẩm bánh dừa lưới

Những năm 1992-1995 là thời điểm cực thịnh của Đức Phát. Hơn 10 tiệm bánh lớn lần lượt ra đời. Năm 1994, tên tuổi của Đức Phát đã khiến tập đoàn Rheon của Nhật, chuyên sản xuất thiết bị máy móc trong ngành chế biến thực phẩm mời ông Lực sang tham quan nhà máy.

Tại đây, công nghệ làm bánh hiện đại của Nhật đã hút hồn ông. Trở về, ông Lực đảo lộn mọi công thức làm bánh. Lúc này câu nói của cha làm ông suy nghĩ: chỉ có sản xuất mới nhanh phát triển, dù hai tay có làm hết sức thì cũng không bao giờ đuổi kịp.

Đức Phát Bakery

Một người đàn ông không tra, rượu, cà phê, cờ bạc… như ông Lực được coi là quá tiết kiệm. Và lúc này, sự tiết kiệm đó đã có đất dụng võ. Dốc toàn bộ 80.000USD tích góp được, Kao Siêu Lực quyết định đặt mua dây chuyền công nghệ làm bánh của Nhật.

Sự kết hợp giữa bí quyết làm bánh thủ công và dây chuyền hiện đại bậc nhất lúc đó giúp cho bánh Đức Phát đẹp hơn, năng suất cao hơn. Sau croissant, một sản phẩm khác tiếp tục làm nên tên tuổi của Đức Phát chính là “tuyệt phẩm” bánh dừa lưới. Đây là loại bánh ngọt có nhân nổi tiếng trên thế giới. Vỏ bánh có hình mắt lưới, nhân được chế biến tùy thuộc gu âm thực của mỗi quốc gia.

Nhớ đến loại nông sản nổi tiếng của Việt Nam là dừa, ông Lực mày mò pha trộn giữa bơ, trứng và dừa để cho ra công thức làm bánh đặc biệt và đặt tên là bánh dừa lưới. Ngoài nhân dừa, ông còn sáng tạo ra 20 loại nhân bánh khác nhau, tạo nên cơn sốt bánh “dừa lưới” trên thị trường. Vào thời điểm đó, mỗi ngày, Đức Phát làm ra vài ngàn chiếc, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhu cầu của khách hàng liên tục tăng buộc ông Lực phải mở rộng sản xuất và sáng tạo thêm nhiều loại bánh khác nhau. Năm 1998, Đức Phát lần đầu tham gia thị trường bánh mì. Lúc này, bánh mì chủ yếu do các cơ sở nhỏ, các hộ gia đình làm ra. Để tạo sự khác biệt với bánh mì dài thông dụng, Đức Phát tung ra sản phẩm bánh mì cóc dạng tròn, giòn và xốp hơn. “Tôi không thích dùng sức mạnh công nghệ để cạnh tranh với các cơ sở bánh mì nhỏ lẻ. Vì vậy, bánh mì cóc của Đức Phát dù trọng lương nhỏ hơn nhưng giá lại cao hơn. Canh tranh như vậy là quá công bằng”, ông Lực nói.

Cũng từ năm 1998, Đức Phát lần lượt cho ra đời các sản phẩm đóng gói, thời hạn sử dụng lâu hơn. Điều này giúp sản phẩm Đức Phát vượt khỏi thị trường thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng dần ra các tỉnh lân cận.

Cha, con và thương hiệu ABC

Sau khi ly hôn, dư luận rất ngạc nhiên khi cả ba người con đều chọn về chung sống với cha. Dường như, trong huyết quản của hai cô con gái và cậu con trai út đều có niềm đam mê làm bánh, cùng hình bóng tận tụy của cha.

Ngay sau khi có quyết định của Tòa án về thỏa thuận thương hiệu, ông Lực cho họp ba con lại và thống nhất chọn tên thương hiệu mới lá ABC, viết tắt từ Asia Bakery Confectionery (doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo Á Châu). Ông nói rằng, tên gọi này mang rất nhiều ý nghĩa, chủ ý cũng như vô ý.


Thương hiệu mới hình thành ABC Bakery

ABC là những ký tự mà hầu như trẻ nhỏ nào cũng biết. Hình ảnh 3 chữ cái viết xéo, màu sắc sặc sỡ dễ cuốn hút đối tượng khách hàng nhỏ tuổi. Nhưng cái tên này cũng là một sự ngẫu nhiên trời định, bởi 3 chữ ABC cũng là tên tiếng Anh viết tắt của ba người con: Anglela (con gái thứ Kao Huy Minh); Bruce (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái đầu Kao Huy Phương).

Ba người con lúc này là liều thuốc mạnh nhất giúp ông lấy lại tinh thần. Cậu con út năm nay mới 13 tuổi đã tranh thủ học nghề cùng cha. Cô con gái thứ hiện đang theo học ngành quản trị doanh nghiệp ở Singapore. Riêng cô con gái đầu, 24 tuổi, đã theo học ngành thực phẩm tại Singapore từ năm 16 tuổi, quyết định trở về Việt Nam giúp cha. Chính cô đã giúp cha mua bản quyền sử dụng hình ảnh các nhân vật hoạt hình của Walt Disney cho một số sản phẩm bánh tươi của ABC Bakery.

Làng bánh TP.HCM nhận định, đã có một sự biến chuyển lớn về tư duy sản xuất cũng như kinh doanh trong con người ông Lực. Trước đây, không ít người nhận xét ông là người khó gần. Với ông, tư duy “ăn chắc mặc bền” dường như là cố hữu. Xưa nay ông vốn không coi trọng việc quảng cáo. Vì theo ông, mỗi chiếc bánh ngon được khách hàng thưởng thức và khen gợi là lời quảng cáo giá trị nhất. Nhưng việc “nghe lời” con gái Huy Phương hợp tác với Walt Disney là thể hiện sự “phá rào” trong phương pháp kinh doanh của ông. Kết quả là chỉ một mùa Trung thu 2007, hơn 400.000 bánh Trung thu ABC in hình những nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Walt Disney là được tiêu thụ hết.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi sang thương hiệu mới cũng cho thấy sự linh hoạt và nỗ lực tuyệt vời của ông Lực. Theo cam kết, sau 5 tháng kể từ ngày chuyển đổi sang thương hiệu ABC (11.5.2007), ông không được dùng tên Đức Phát dưới mọi hình thức. Chỉ trong thời gian ngắn, kết hợp giữa bảng hiệu ABC với dòng ghi chú “Nguyên là thương hiệu của Đức Phát”, ông dốc hết sức để chinh phục người tiêu dùng.

Ngoài những ổ bánh mới, ABC còn có những ổ bánh mì giá chỉ 1.000-2.000 đồng/ ổ. Đây là một trong những sản phẩm chiến lược của ông Lực, được làm theo phương pháp làm bánh mì “Poolish Method” do ông sáng tạo, giúp cho bánh mì có mùi thơm đặc biệt, giòn lâu và không cứng. Ngoài ra, ABC cũng tìm ra được cách sản xuất bánh mì đông lạnh, tất cả đều sản xuất từ một nơi và xe chuyên dụng sẽ chở đến từng của hàng, nướng sơ qua là có bánh nóng dòn bán ngay cho khách.

Tìm lại “ngôi vua”

Sự trở lại của Kao Siêu Lực cùng thương hiệu ABC đã gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Với hơn 3000 nhà phân phối bánh ngọt tại thành phố HCM và các Tỉnh, 18 cửa hàng hiện diện trên những đường phố lớn, thương hiệu mới đã nhanh chóng được người tiêu dùng chấp nhận. Nhưng khát vọng của ông Lực chưa dừng ở đó.

Gần đây, giới kinh doanh bánh ở thanh phố HCM ngạc nhiên khi thấy ông hoạt động như con thoi ở nước ngoài. Năm 2007, ông Lực đưa ABC trở thành doanh nghiệp đầu tiên của ngành bánh Việt Nam tham gia Hiệp hội bánh mì quốc tế. Tháng 4 năm 2008, ông vinh dự được mời vào ban giám khảo cuộc thi Coupe du Monde de la Boulangerie, cuộc thi được ví như giải quốc cúp của các nhà làm bánh trên thế giới, diễn ra tại Paris (Pháp).

Bên cạnh đó, sự kiện ABC Bakery mở của hàng đầu tiên tại Phnompenh vào tháng 11/2007 đã phần nào hé mở khát vọng của ông Lực. Đây không chỉ là một thị trường tiềm năng mà còn là phép thử cho chiến lược xuất khẩu đến các thị trường khó tính hơn. Hiện cửa hàng kiêm xưởng sản xuất này tiêu thụ trung bình 500kg bột mì/ngày. Và tháng 9 tới cửa hàng thứ hai tại Campuchia với 400m2 và công suất 1 tấn bột/ngày cũng sẽ đời.

Ông chủ ABC Bakery cho biết, hiện nay mỗi tháng ABC xuất khẩu khoảng 4 container các loại bánh mì, bánh bông lan sang Canada, Nhật, Mỹ và đang chào hành ở Đài Loan. Đến cuối năm có thể tăng lên khoảng 10 container/tháng. Với số lượng khách hàng nước ngoài không ngừng tăng, ông cũng đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất sản phẩm xuất khẩu, đặt tại quận Bình Tân (tpHCM).

Một đối tác lâu năm của ông Lực nói rằng, sở dĩ nhiều người phong ông Lực làm “vua bánh” bởi chưa thấy ai yêu nghề và giỏi nghề như ông. Ở tuổi 52, niềm đam mê đó vẫn không ngừng cháy.

Làm gì, ở đâu, ông cũng có thể liên tưởng đến … bánh, nhận xét đó không phải không có cơ sở. ABC đang từng ngày mạnh lên, đẹp lên, nhưng người ta vẫn thấy đây đó ở những khu vực đông dân lao động, khu công nghiệp … xuất hiện những chiếc xe lưu động bán bánh của ABC. Đây là gợi ý của ông chủ ABC cho các đại lý của mình. Mặt bằng ngày càng khan hiếm, cách kinh doanh này sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Nhưng trên hết, nó đáp ứng mong mỏi từ lâu của ông là đem ngày càng nhiều sản phẩm của mình đến tận tay người nghèo.

Bên cạnh đó, một ý tưởng mới đã được ông nhen nhóm: cho ra đời các xe bánh mì mang tên ABC. “Chỉ vài tháng nữa thôi, tại TP.HCM sẽ xuất hiện một loại xe bán bánh mì ABC. Các xe đẩy này sẽ có 5 loại nước sốtđể khách hàng tự phục vụ theo khẩu vị của mình. Gía mỗi bánh mì chỉ khoàng 6.000-7.000 đồng”,ông cho biết. Theo kế hoạch, sau một thời gian, ABC sẽ nhượng quyền kinh doanh cho các cá nhân.

Dự án xe bánh mì ABC đang đi đúng chiến lược “sạch mà nhanh” mà hầu hết các hãng bánh quốc tế đang theo đuổi. Dự án này sẽ do cô con gái đầu Huy Phương đảm nhận. Cô đã thuyết phục cha thấy rằng, người tiêu dùng cần những sản phẩm sạch và dinh dưỡng hơn như bánh mì mầm, bánh mì lúa mạch… Đáp lại mong muốn của con gái, ông Lực đã cho thành lập một phòng nghiên cứu về dinh dưỡng trị giá 200.000 USD tại nhà máy của ABC ở quận Bình Tân.

(Nhịp Cầu Đầu Tư)

Tham Vấn Tâm Lý