Có nhiều học sinh cố tình quậy phá để được quan tâm, vi phạm nội quy nhà trường để… gặp cha mẹ. Những câu chuyện như vậy xảy ra khá phổ biến ở nhiều trường phổ thông hiện nay.
Tự tử vì tủi thân
Cứ vào đầu năm học, Ban Giám hiệu Trường THCS-THPT bán trú – nội trú Hồng Hà (Q.Gò Vấp, TP.HCM) tổ chức cho học sinh viết bài tâm sự về cuộc đời mình thông qua hoạt động “Em đã sống và lớn lên như thế nào”. Theo thạc sĩ Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng nhà trường, thông qua những lời tự sự đó, giáo viên sẽ hiểu được hoàn cảnh của học sinh hơn.
Nói về những lời tự sự của học sinh, thạc sĩ Kim Sa cho biết: “Có những trường hợp đáng thương, nhiều em cha mẹ không ngó ngàng tới, không quan tâm thăm hỏi, tết nhất cũng không rước các em về nhà”. Có học sinh đã nhiều lần muốn tìm đến cái chết, mà P. – một học sinh lớp 9 của trường này là một điển hình.
5 năm trước, mẹ P. phải đi làm việc ở Đài Loan, hằng tháng bà gửi tiền về cho cha P. nuôi con. Khi mẹ P. trở về thì biết được cha của P. lâm vào cảnh nghiện ngập. Mẹ buồn tủi và tiếp tục sang Đài Loan làm việc nuôi con. Chỉ mới từ đầu năm học đến nay, P. đã 2 lần tự tử (một lần tự cắt mạch máu tay, lần nữa dùng dây micro để tự siết cổ trong quán karaoke). “Mỗi lần mẹ điện thoại về thăm, hai mẹ con chỉ biết khóc nức nở. P. tâm sự rằng, những lúc buồn tủi thì không có ai bên cạnh chia sẻ và tâm sự. Điều mong mỏi lớn nhất của em là cha mẹ được ở bên nhau, và P. được chung sống với cha mẹ mình”, bà Nguyễn Thị Xuân, cán bộ phụ trách tham vấn tâm lý của Trường Hồng Hà cho biết.
Vi phạm nội quy để gặp cha mẹ
Không ít trường hợp phụ huynh gửi con vào trường này học nhưng nhiều năm không lên thăm con. Do vậy, nhiều học sinh đã cố tình vi phạm nội quy trường để được gặp cha mẹ một lần.
M.V và M.N, 2 nữ sinh của trường, rất nhiều lần leo rào để được cha mẹ chú ý. “Khi nhà trường mời các em lên làm việc mới hay, các em chủ động leo rào để nhà trường mời phụ huynh lên (vì lỗi nhiều lần vi phạm, trường sẽ mời phụ huynh lên làm việc). Chủ đích cuối cùng của các em là vì quá nhớ cha mẹ và chỉ muốn gặp cha mẹ”, thạc sĩ Hà Thị Kim Sa cho biết.
Một chuyên viên tham vấn tâm lý tại một trường THCS trên địa bàn Q.4 (TP.HCM) cho biết, bà từng đau đầu với một trường hợp nam sinh lớp 7 luôn dùng vũ lực với bạn. Khi nói chuyện và gần gũi với em này thì mới biết, do cha mẹ ly tán, em phải sống với mẹ và cha ghẻ. “Em muốn quậy phá như vậy là để mẹ quan tâm mình hơn. Vì theo cậu, mẹ sau khi có người mới thì không còn thương mình”, cán bộ này cho biết.
Theo nhiều cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý trường học, phần đông học sinh quậy phá, học hành sa sút đều rơi vào hoàn cảnh gia đình ly tán, phải ở với cha hoặc mẹ, hoặc ông bà, thiếu người quan tâm chăm sóc, quản lý. “Khi trường gọi điện về cho phụ huynh thì cũng không nhận được sự hợp tác. Có trường hợp thấy số trường gọi thì cúp máy, có khi bị gọi hoài thì khóa máy. Ngoài gọi điện, trường nhiều lần gửi văn bản, và cả kết hợp với UBND phường mới vận động được phụ huynh lên làm việc”, một cán bộ phụ trách công tác tham vấn tâm lý học đường tại một trường THCS ở Q.4 cho biết.
No Comment