Hết giờ làm, đôi bạn trẻ Trường-Dương ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc lại đưa nhau vượt chặng đường khoảng 60km để tới lớp học tiền hôn nhân tận… Hà Nội. Định làm đám cưới trong năm nay, cặp đôi muốn trải nghiệm những bài học về hạnh phúc và hôn nhân trước khi chính thức ‘góp gạo thổi cơm chung’.
Hết giờ làm, đôi bạn trẻ Trường-Dương ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc lại đưa nhau vượt chặng đường khoảng 60km để tới lớp học tiền hôn nhân tận… Hà Nội. Định làm đám cưới trong năm nay, cặp đôi muốn trải nghiệm những bài học về hạnh phúc và hôn nhân trước khi chính thức ‘góp gạo thổi cơm chung’.

Đến trước giờ học vài phút, Trường-Dương tranh thủ ngồi nghỉ và chuyện trò với các đôi khác cùng lớp về chặng đường vừa đi. Hôm nào học xong, cả hai về đến nhà cũng đã hơn 11 giờ đêm. Trong tiếng xuýt xoa ngưỡng mộ của những người xung quanh, đôi uyên ương cầm tay nhau mỉm cười hạnh phúc. Họ biết tới lớp dành cho các cặp sắp cưới, mới lập gia đình hay cả các cô gái muộn chồng của trung tâm Tham vấn nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống tổ chức qua các diễn đàn mạng. Cả hai rủ nhau học để hiểu hơn tâm lý đối phương, nắm rõ mấu chốt những xung đột trong đời sống hôn nhân, thêm kiến thức sinh con và cả chuyện “vợ chồng”.

Dương, cô gái có hai bím tóc xinh xắn và nụ cười tươi, chia sẻ: “Mặc dù ở xa nhưng mình và anh ấy đều thấy nên đi học khóa này để được trải nghiệm mối quan hệ của chính mình. Qua đó, cả hai sẽ nhìn thấy rõ hơn cuộc sống tương lai khi đã là vợ chồng”.

Không giống các lớp học khác có bàn ghế, cô giáo và học sinh ở đây ngồi bệt xuống sàn. Cả lớp quây quần bên máy chiếu để trao đổi và chia sẻ về chủ đề tình yêu. Cặp nào vào cặp nấy còn những ai đi học một mình sẽ ngồi riêng một góc. Khóa học gồm năm chủ đề, tình yêu trước và sau hôn nhân, sinh con thế nào, “chuyện ấy”, bản lề gia đình và hóa giải xung đột. Các chuyên gia, nhà tâm lý học sẽ nói về mỗi chủ đề riêng biệt trong từng tiết học khác nhau.

Lớp của Dương tham gia có bốn đôi và hai cô gái độc thân. Giống như Trường-Dương, cặp Hải-Bình ở thị trấn Trôi (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng tham gia mặc dù đã kết hôn được sáu năm và có hai con. Nhờ ông bà trông cháu, hết giờ làm, vợ chồng Bình lại đến lớp học như đôi vợ chồng son. Hôm nay, chồng cô, một nhân viên kỹ thuật ngành in, đến muộn, khiến cô thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Mãi tới khi thấy chồng bước vào, Bình mới cười thoải mái. Sau trò chơi soi gương và nhìn vào mắt nhau, Bình tâm sự: “Cưới nhau bao năm, giờ mình mới nhận ra vợ chồng chưa lúc nào có nổi một phút nhìn vào mắt đối phương để hâm nóng tình cảm và khơi dậy tình yêu trong lòng mỗi người”.

Kết hợp với những lý giải của chuyên gia là phần trò chơi giúp các học viên nhận ra tình yêu của một nửa dành cho mình. Bình tủm tỉm cười khi cô giáo đọc to lý do tại sao “anh nhà” lại yêu mình ghi trên một mảnh giấy nhỏ. Mặc dù không trùng với ý của cô nhưng người phụ nữ ấy vẫn cảm thấy vui vì ông xã không ngần ngại công khai tình cảm sau bao năm trước đông người. Theo cô, mỗi khi đi làm về, anh Hải thường gọi vợ là “em yêu ơi” hay “mập ú”, vì vậy nếu có phải tìm nhau thì chỉ cần gọi ra hai tên ấy.

Bình tâm sự, ông xã là người tìm thấy lớp học tiền hôn nhân trên mạng và rủ vợ đi. “Mới đầu nghe chồng nói mình cũng ngại lắm vì lập gia đình rồi còn đi làm gì nhưng sau vài buổi đầu, cả hai đều vỡ lẽ còn nhiều điều chưa rõ về cuộc sống gia đình. Qua khóa học, mình biết thêm nhiều cách xử lý khi hai vợ chồng có trục trặc”, cô cho hay.

Dù đã có thời gian trải nghiệm về đời sống vợ chồng nhưng khi dự buổi học về “chuyện ấy”, Bình thú nhận nhiều kiến thức “giờ mới biết”. Trẻ nhất trong số các học viên, cặp đôi sinh năm 1987 và 1989 thỉnh thoảng lại quay sang… cấu nhau hoặc trêu đùa. Chàng trai tên Cường có khuôn mặt trắng trẻo, đeo cặp kính cận đen chống hai tay vào hông và nghiêng đầu bắt chước điệu bộ của bạn gái. Cô nàng người yêu tên Hường vừa tốt nghiệp đại học và đang chờ đi làm cũng theo bạn trai tới lớp. Cả hai dự tính, đám cưới có lẽ sẽ phải chờ tới bốn hoặc năm năm nữa nhưng giờ “cứ đi học cho biết”.

Lẻ loi so với các cặp trong lớp, hai cô gái ngồi một góc quan sát do không có bạn để thực hành những trò chơi có sự kết hợp của hai người. Châu, 25 tuổi, tiếc rẻ vì không rủ được bạn trai đi học cùng. Chàng ngại và do trùng lịch học nên cô nàng đành tự đi tìm hiểu một mình. Cô nhân viên kế toán không tỏ ra ngượng ngùng khi nói tới buổi học mà cô hứng thú nhất, buổi học về tình dục. Theo cô, chủ đề nhạy cảm được mọi người trong lớp chia sẻ cởi mở và thẳng thắn nên không ai cảm thấy xấu hổ.

“Giờ học đó rất hay. Mọi người được biết hơn về bộ phận sinh dục, cấu tạo và chức năng nhờ đó sẽ hiểu rõ em bé được sinh ra như thế nào cũng như tâm lý mang thai, sinh con. Dù cũng có chút thông tin nhưng đây là lần đầu tiên mình vẽ tam giác vàng. Tới giờ, nhắm mắt mình có thể tượng tượng ra”, Châu thoải mái cho biết.

Ngoài những kiến thức và học cách nắm bắt tâm lý đối phương trong cuộc sống vợ chồng, Châu cũng tỏ ra bất ngờ khi biết những giận dỗi tưởng chừng vô cớ giữa hai người yêu nhau cũng có nguyên nhân. Sau này, khi đã ở cùng nhau, những xích mích ấy sẽ trở nên căng thẳng nếu như không có những mẹo nhỏ, đôi khi chỉ cần lời nói là có thể hóa giải được.

Theo giảng viên, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hằng Phương, lớp học tiền hôn nhân nhằm mục đích trang bị cho người trẻ những kiến thức cơ bản về cuộc sống hôn nhân đồng thời giúp họ hình dung được những viễn cảnh thường thấy sau khi có gia đình. Chị Phương cho hay, ở hai khóa trước, phần lớn học viên là những các cặp yêu nhau hoặc các cô gái, chàng trai sắp lập gia đình. Khóa thứ ba này lần đầu tiên có sự tham dự của một đôi vợ chồng đã chung sống sáu năm. Các học viên được khuyến khích đi cùng bạn trai bởi điều đó thể hiện sự chia sẻ và quan tâm.

“Nhìn chung, những đôi tìm đến lớp này yêu nhau thực sự và muốn tiến tới hôn nhân. Ngoài những người có đôi có cặp còn cả các cô gái chưa người yêu cũng tham gia vì muốn chuẩn bị hành trang kỹ càng cho tương lai của mình”, chuyên gia nói.

Tham Vấn Tâm Lý