Mỗi năm, ở Việt Nam có hàng triệu thanh niên bước vào tuổi kết hôn và đang chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, rất nhiều trong số họ chưa được hoặc chưa có ý thức nghiêm túc về việc bổ sung đầy đủ những kiến thức về chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân.

Chưa coi trọng sức khỏe của chính mình

Đang chuẩn bị cho việc kết hôn, bạn Quỳnh Thị Phượng (23 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) phấn khởi chia sẻ: “Còn 2 tháng nữa mới cưới, nhưng từ giờ phải tranh thủ chọn áo cưới, chụp hình, chọn nơi đãi tiệc,…thấy vậy mà tốn khá nhiều thời gian”.

Hỏi về việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, Phượng ậm ừ: “Cũng có nghĩ tới, nhưng nói ảnh (bạn trai của Phượng), ảnh không chịu. Ảnh nói vác mặt vô bệnh viện ngại lắm, với lại quá khứ sống lành mạnh thì có gì phải lo”.

Anh Vũ Lê Giang (32 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh), cũng đang chuẩn bị kết hôn, chia sẻ: “Tự nhiên kêu bạn gái đi khám sức khỏe, cô ấy tưởng mình nghi ngờ quá khứ của cô ấy thì…mệt nữa”.

Thực tế, hiện nay nhiều người vẫn chưa coi trọng việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Một mặt vì ngại, chưa quan tâm; mặt khác lo sợ nếu có bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc kết hôn. Chính vì vậy, con số thống kê về việc các cặp nam, nữ đi khám sức khỏe tiền hôn nhân trên tổng số cặp nam nữ đăng ký kết hôn hàng năm vẫn còn khá nhỏ giọt.

Khảo sát tại các bệnh viện có chuyên khoa về khám sức khỏe tiền hôn nhân như BV Từ Dũ, BV Hùng Vương, BV Đại học Y dược… cho thấy số lượng đến khám trước khi cưới hầu như đếm trên đầu ngón tay.

Theo bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, từ năm 2010 đến năm 2012, tại các điểm Tư vấn miễn phí về sức khỏe sinh sản – tiền hôn nhân, chỉ có 670 thanh niên nam nữ tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân; trong khi đó, hiện nay, mỗi năm TP.HCM có khoảng 40.000 cặp nam nữ kết hôn.

Cũng theo bà Hoa, hiện nay việc thực hiện các quy định kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân chủ yếu do vận động là chính, chưa có quy định bắt buộc trước khi kết hôn phải kiểm tra sức khỏe nên một bộ phận người dân chưa thấy tầm quan trọng của vấn đề này, thường bỏ qua hoặc không quan tâm vì vậy số người tự tìm đến các cơ sở y tế đề khám sức khỏe trước hôn nhân còn rất ít.

Hành trang cần thiết cho cuộc sống vợ chồng

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Sinh sản TP.HCM, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là thực hiện những xét nghiệm để phát hiện ra những dấu hiệu bất lợi về sức khỏe để tư vấn và điều trị kịp thời. Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giảm nỗi lo bệnh tật mà còn tạo ra tâm lý thoải mái cho cuộc sống vợ chồng sau đám cưới và biết rõ sức khỏe của mình để có kế hoạch sinh con hợp lý.

Theo bác sĩ các cặp đôi nên có kế hoạch khám trước khi cưới khoảng 3 – 6 tháng. Đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay sau khi kết hôn thì việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho con sau này.

Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số
Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho con cái sau này

Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết: “Trong số 670 người tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí tại các điểm Tư vấn miễn phí về sức khỏe sinh sản – tiền hôn nhân của TP từ năm 2010 đến năm 2012, thì có tới 100 trường hợp phát hiện bệnh, chiếm tỷ lệ 14,9%. Điều đáng nói là nhiều trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ không tránh khỏi những hệ lụy trong cuộc sống vợ chồng và tương lai con cái về sau”.

Việc tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân của các cặp vợ chồng được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số. Những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV/AIDS sẽ được phát hiện và điều trị, tư vấn kịp thời khi được khám sức khỏe tiền hôn nhân. Có nhiều trường hợp vợ chồng chung sống mới phát hiện người bạn đời có bệnh, sinh ra những đứa con tâm thần, dị tật bẩm sinh, thậm chí có HIV… vừa là một nỗi đau của gia đình, vừa trở thành gánh nặng của xã hội.

Tham Vấn Tâm Lý