Hai chuyên gia tâm lí Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa tâm lí giáo dục ĐH Sư Phạm TPHCM) và cô Nguyên Ngọc (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) sẽ chia sẻ và tư vấn cho các bạn cách giải quyết vấn đề, hóa giải những rắc rối và vượt qua áp lực cuộc sống để mỗi sáng thức dậy ta thấy cuộc đời này thật tươi đẹp và đáng sống.

Bức thư kinh khủng và đáng lo

Sau loạt bài Teen và những vụ tự tử đau lòng, MTO đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc, trong đó có những lời tâm sự của “người trong cuộc” hết sức xúc động và cũng rất đáng lo những chuyện không hay có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không được chia sẻ và can thiệp kịp thời.

Một bạn nữ sinh lớp 11 ở TPHCM gửi cho MTO những lời tâm sự thống thiết với tựa đề rất kinh khủng “Thầy khiến em phải…chết”.

“…Có lẽ khi ta quá áp lực và căng thẳng  nên đành phải tìm đến cái chết. Có mấy ai trong số chúng ta chịu được khi đi học mà luôn mang trong mình nỗi ám ảnh và lo sợ về sự mắng nhiếc của thầy cô. Em là một trong số đó. Dạo gần đây, em luôn cảm thấy mình quá căng thẳng và áp lực khi học tiết toán. Thầy là người thầy có kinh nghiệm lâu năm trong nhà trường về việc giảng dạy. Nhưng thời gian gần đây thầy khiến chúng em gặp quá nhiều áp lực.

“Thầy bắt chúng em chép phạt 300 lần trong một buổi tối. Chúng em không hiểu bài, nhờ thầy giảng lại giúp thì thầy lại chửi rồi bắt làm bài kiểm tra lấy điểm. Chúng em chưa hiểu bài thì sao có thể làm bài kiểm tra được…

Có những bạn trong HK1 học rất tốt, nhưng HK2 chỉ có một lần dưới điểm trung bình. Vậy mà ngày nào có tiết, thầy cũng chửi bạn đó trước mặt cả lớp. Thầy nói những câu rất sốc, khiến em luôn muốn nghỉ học và tìm đến cái chết.

Thầy làm em cảm thấy sợ hãi khi đến tiết thầy, em đã bị trầm cảm 2 tuần qua. Mặc dù bạn bè luôn động viên em cố gắng nhưng em luôn sợ mỗi khi thầy chửi. Xin mọi người hãy giúp em nếu không em sẽ …vì em không chịu đựng nổi mất rồi..”.

Bạn đang nghĩ gì khi đọc những dòng tâm sự của người bạn gái được MTO lược trích đăng này?

Cách nào để teen vượt qua rắc rối và áp lực cuộc sống?

Không ai trong chúng ta chưa từng gặp những chuyện rắc rối trong cuộc sống. Thậm chí, mỗi ngày chúng ta đã và đang phải đối diện với rất nhiều áp lực từ chuyện học tập, gia đình, bè bạn, yêu đương …nhưng không phải bạn nào cũng biết cách vượt qua nó.

Không ít bạn đã không đủ bản lĩnh ứng phó và nhanh chóng bị suy sụp rồi đi đến những quyết định hết sức nông nổi, bồng bột như một cách trốn chạy áp lực.

Bạn có rắc rối gì trong cuộc sống? Những áp lực cuộc sống hàng ngày đang làm bạn buồn chán và có những suy nghĩ tiêu cực? Hãy mạnh dạn gửi những câu hỏi, thắc mắc và tâm sự của mình đến MTO nhé.

 


Sau đây là loạt nội dung chia sẻ và tư vấn của các chuyên gia khi nhận được các câu hỏi của các bạn:

Chào cô. Hiện em đang học lớp 11 và đang phải chịu một áp lực quá lớn: Một bạn trong lớp tung tin đồn sai trái về quá khứ của em. Em rất chao đảo và không thể chú tâm vào việc học được. Kính mong cô cho em lời khuyên. Xin chân thành cám ơn cô. – Huynh Hong Khanh, 17t, Phan Thiết

Cô Nguyên Ngọc: Nếu như em càng chao đảo, dao động thì ảnh hưởng càng lớn, tin đồn càng lan rộng. Em nên tập trung vào việc học hay một hoạt động nào đó. Cố gắng phớt lờ thông tin đó đi, giống như đạp trên dư luận mà sống… Có thể tìm kiếm sự chia sẻ của những người thân nhất, như là cha mẹ, bạn bè… Ít nhất cũng nên tìm kiếm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để đỡ căng thẳng.

Thưa cô, có đúng là con gái khi thích người khác đều không bao giờ thừa nhận với người đó nếu được hỏi phải không ạ? Và nếu có cố hỏi lần 2 thì có phải con gái sẽ luôn luôn nói dối ? – Bơ, 17t, Long thành – Đồng Nai

Cô Ngọc: Không phải không bao giờ được thừa nhận mà mình sẽ thừa nhận vào lúc thích hợp. Đó là lúc mình có đủ thông tin để biết rằng người ta nghiêm túc trong tình cảm với mình và mình cũng thực sự thích người ta. Sự thừa nhận của con gái đôi khi không bằng lời nói mà có thể là những hành vi như: gật đầu, chấp nhận đi ăn kem…

Thưa cô, năm ngoái em học lớp 10, cả khối chỉ có ban cơ bản là học các môn đều nhau. Nhưng cuối năm thì có tờ giấy ghi nguyện vọng, em ghi trong đó là em muốn học lớp D. Sang năm nay em học lớp 11 được tuyển vào lớp tuyển D nhưng chẳng hiểu sao em không còn thích học môn Anh văn, và không còn mơ thi đậu vào ĐH SƯ PHẠM ANH. Bây giờ em lại thích môn Hóa hơn. Em không biết là em nên học ban nào, xin cô cho em lời khuyên! – Phạm Huỳnh Niệm Thương, 17t, 142/105 tổ 3 ấp 5 đường Lê Văn Khương – Hóc Môn

Cô Ngọc: Không có gì đảm bảo rằng khi lên lớp 12 thì sở thích của em không thay đổi. Vì vậy, thay vì chọn ban học theo sở thích em hãy cân nhắc thật kỹ về khả năng, điều kiện của bản thân cũng như sở trường và nguyện vọng làm việc sau này của mình.

Thưa thầy, khi bản thân cảm thấy buồn em nên làm cách nào để giải tỏa? – Pupu, 17t, THKG

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Con người chúng ta đều có khả năng rất hay là tự bơm vitamin cảm xúc cho mình. Khi cảm thấy cuộc đời trở nên nhạt nhẽo hoặc gặp chuyện không như ý chúng ta hãy dùng những phương thuốc tâm lý sau đây:

Thứ nhất, nhìn vào mặt tốt của vấn đề. Chẳng hạn bạn làm bài 7 điểm, bạn thấy không như ý, vì bạn muốn được 10 hoặc 9 điểm. Nhưng con số 7 thì có 2 điểm bạn cần phải vui: 1. Bạn làm được 70% là đã khá; 2. Bạn nhận ra mình sai 30% ở đâu và mình có thêm bài học 30% còn lại để những kỳ thi quan trọng hơn mình có thể làm bài phong độ nhất.

Thứ 2 chúng ta có thể “thay máu” cảm xúc. Ngồi một mình thì chán, chúng ta có thể tám với bạn bè, vào bếp thử nghiệm một món bánh mới, chơi thể thao, hoặc đùa vui với em út trong nhà hay đơn thuần là ra bờ sông, ra quán nước và mơ mộng về tuơng lai.

Cách thứ 3, hãy thêm gia vị vào trong cuộc sống hàng ngày. Một mục tiêu nho nhỏ hay lớn hơn là một ước mơ của cả cuộc đời sẽ là động lực rất mạnh để cuộc sống trở nên đầy ý nghĩa. Bạn có thể tham gia nhiều hoạt động khác nhau để thử xem mình có những hứng thú gì. Biết đâu chừng bạn sẽ khám phá ra một que diêm tiềm năng trong hộp diêm của mình thì sao.

Cuộc đời thì có bao lâu, bạn đã giành cả một ngày trong đời để sống cho hôm nay. Vì vậy, hãy biến một ngày đó trở nên một ngày ý nghĩa. Điều đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của bạn.

Thưa cô. Em có một người bạn đang gặp nhiều áp lực về gia đình và chuyện tình cảm, thời gian này lại là lúc bạn ấy chuẩn bị tốt nghiệp ra trường,nhìn thấy bạn ấy hay đau khổ như vậy em rất buồn. Nhờ cô có những lời khuyên để giúp bạn ấy giảm căng thẳng để tập trung việc hoc tốt hơn. Em xin cảm ơn! – Nguyễn Thị Son, 20t, Phú Yên

Cô Ngọc: Em nên thường xuyên trò chuyện với bạn và lắng nghe mọi thứ mà bạn kể để bạn vơi đi phần nào đau khổ. Em hãy rủ bạn đến gặp một người lớn thân thiết nào đó am hiểu tâm lý các em và biết tôn trọng, chia sẻ với các em để được trợ giúp. Nếu được, thì nên rủ bạn lên trung tâm tư vấn để nhờ các chuyên gia giúp đỡ.

Thưa cô, trong trường có bạn thích em và hay để ý em, lúc đầu em cảm thấy phải kiên định không để ý nhưng dần dần em cũng thấy thích bạn ấy. Em hay nghĩ đến bạn ấy, và vì thế việc học của em sa sút rất nhiều! Em mong cô tư vấn giúp em có suy nghĩ đúng về rung động học đường để cho em có thể tiếp tục học tốt, vui vẻ và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Em cám ơn cô! – Thu Uyên, 16t, Đăk Lăk
 
Cô Ngọc: Cô không biết là em đang học lớp mấy? Việc rung động với người khác giới là chuyện hết sức bình thường, có thể sẽ trôi qua nhanh chóng và cũng có thể ở lại lâu với các em. Vì vậy em không cần phải quan trọng hóa cảm xúc của mình, hãy cứ để nó diễn ra một cách tự nhiên như quy luật của nó.

Tất nhiên những việc cần thiết cho em như: học hành, vui chơi, rèn luyện bản thân vẫn thực hiện bình thường, không có gì phải lo lắng.

Thưa cô, em phải làm sao để gia đình em hiểu được tâm lý của giới trẻ hiện nay bây giờ. Cụ thể là hiểu được và thông cảm với cuộc sống học trò của em. Cám ơn cô. – Thanh Hiền, 17t, Đồng Nai

Cô Ngọc: Câu hỏi của em khá chung chung nên cô chỉ có thể nói rằng: muốn người khác hiểu mình trước hết mình phải hiểu người khác. Gia đình không hiểu và thông cảm cho các em vì nguyên nhân gì? Các em tự làm mình khó hiểu hay gia đình không chịu hiểu. Vì vậy các em cần cố gắng giải thích và thực hiện đúng theo chuẩn chung của hoc trò thì gia đình sẽ hiểu.

Thưa cô, Em cảm thấy mình chán chường tất cả… Em đang vướng vô chuyện tình cảm mới lớn. Em càng cố gắng quên để tự nhủ mình phải sống tốt, nhưng em không thể. Em thấy mình đang bị phân tâm rất nhiều về những chuyện thế này, ngăn cản việc học…và làm em không còn hồn nhiên như ngày xưa. Xin cô giúp em qua được giai đoạn này. Em cám ơn cô! – Lan, 15t, Hồ Chí Minh

Cô Ngọc: Người ta nói yêu là hạnh phúc. Vậy vì lý do gì mà em lại chán chường khi yêu? Phải chăng, vì em chưa hiểu hết bản thân mình cũng như chưa hiểu hết bản chất của tình yêu. Để đảm bảo tương lai, em cần bản lĩnh hơn và nên tìm đến sự trợ giúp của người lớn. Nếu có thể em liên lạc lại với cô.

Thưa thầy, khi em không thể hoàn thiện và so sánh bằng bạn bè, em phải làm cách nào để không cảm thấy tự ti về bản thân mình? –  P. P, 17t, THKG

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Một hôm, bông hoa Qùynh mới khóc lóc với màn đêm. “Tôi chẳng bao giờ được khoe sắc vào ban ngày. Chẳng ai có thể cảm nhận được vẻ đẹp của tôi. Tại sao tôi không được như Hướng Dương, có một vẻ đẹp rực rỡ và muôn thú đều ngưỡng mộ?” Màn đêm ngạc nhiên trả lời: “Ồ mới ngày hôm qua thôi, Hưóng Dương còn nói với ta như thế. Hắn ganh tị tại sao không có hương thơm lưu luyến lòng người như đoá Quỳnh, một nét đẹp dịu dàng và e ấp, và được mệnh danh là loài hoa nữ hoàng trong đêm.”

Bạn thấy đấy, mỗi người là một bản chính, không có bản copy, làm sao chúng ta có thể giống nhau được. Và giá trị mỗi người nằm ở bản sắc của riêng mình. Bạn có thể thua kém bạn bè về tiền bạc, về thành tích học tập, hoặc thậm chí về nhan sắc. Nhưng bạn có bao giờ xem bản thân mình có những giá trị gì mà người khác không bao giờ có. Người ta thường hay tự ti khi cứ nhìn lên và thấy mình thật nhỏ bé mà không chịu nhìn xuống và thấy mình thật may mắn.

Thậm chí những điểm mà bạn cho là khuyết điểm nếu biết cách sử dụng nó có thể trở thành ưu điểm “chết người” của bạn. Một cô gái kia rất tự ti về làn da đen của mình và mong ước mình thật là trắng trẻo như những cô gái khác. Nhưng bạn biết không nhờ làn da đen đó cô ấy đã đạt giải hoa hậu biển trong một kỳ thi giữa một rừng những cô gái trắng trẻo.

So sánh với người khác là cần thiết, để biết mình còn thiếu những gì. Nhưng so sánh không có nghĩa là để làm cho mình co vào vỏ ốc của sự tự ti rồi cam chịu sự thất bại mà chưa kịp phấn đấu. Một cuộc sống hạnh phúc là một cuộc sống “biết đủ” cho hiện tại và hạnh động phấn đấu cho tương lai. Chúc bạn là một đoá quỳnh tỏa ngát hương dù là giữa màn đêm.

Thưa cô. Những năm cấp III và năm nhất đại học em học rất chăm chỉ, thậm luôn cảm thấy học là 1 điều vô cùng hứng thú. Tuy nhiên, kỳ 1 năm 2 và bây giờ đang là kì 2 năm 2 rồi mà nhiều lúc em không tập trung được vào việc học (mặc dù em cũng chưa cảm nắng ai khiến không tập trung), nhiều lúc vì áp lực phải đạt đủ điểm để được học bổng và không phụ lòng bố mẹ mà em rất căng thẳng.
 
Không ít lần cố gắng dùng nhiều cách khác nhau để vượt qua những cảm giác đó nhưng có vẻ không hiệu quả lắm. Vậy em muốn nhờ cô cho em lời khuyên để thoát khỏi tình trạng này. Em cảm ơn! – Hằng, 19t, Hà Nội

Cô Ngọc: Có vẻ như em đã đặt ra những mục đích quá cao, vượt quá khả năng của bản thân. Em hãy sắp xếp mục đích sống của mình thành 1 cái thang từ bậc thấp nhất cho đến cao nhất. Như vậy sẽ dễ dàng hơn khi bước lên được bậc thứ nhất, em sẽ bước lên bậc thứ hai và từ từ em sẽ lên đến nấc thang cao nhất. Em căng thẳng là vì em nhảy vọt quá cao.

Thưa cô, nếu bị cô giáo ghét vì thái độ học tập trong lớp, muốn sửa đổi để có một không khí học tập tốt hơn thì phải như thế nào? – Ngọc, 18t, Hà Nội

Cô Ngọc: Đầu tiên, cô cảm ơn thiện chí muốn sửa sai của em. Em cứ sửa sai đi và kiên trì thực hiện điều đó. Giáo viên sẽ dễ dàng nhận ra. Em cũng có thể nhờ giáo viên khác nói với giáo viên đó giúp em. Vấn đề là em nghiêm túc và chân thành đến mức độ nào. Hãy tin vào bản thân mình.

Thưa cô. Con gái tôi năm nay lên lớp 10. Cháu vừa bỏ nhà đi cách đây mấy ngày. Lí do vì cháu bị điểm thấp môn Toán, thường xuyên cúp học thêm ở nhà cô giáo. Một hôm tôi bảo sẽ đến nhà nói chuyện với cô thì cháu tỏ vẻ hoảng sợ nhưng vẫn để tôi đến gặp. Khi tôi biết sự thật, đã quay về nhà ngay để mắng cháu nhưng cháu không có nhà. Cháu không bao giờ tự ý bỏ nhà đi mà không nói nên tôi rất lo lắng. Tôi đã vừa khóc vừa chạy đi tìm con mình suốt cả ngày hôm đó.

Tôi đến tất cả nhà của những đứa bạn nó, cuối cùng cũng tìm được nó đang rất bình thản… ăn cơm với gia đình bạn nó. Tôi chở nó về và khóc rất nhiều, nó nói tỉnh queo: “Con bình thản như vậy là vì con định bỏ nhà đi vài hôm rồi…tự tử. Con sợ mẹ biết chuyện con bị điểm kém, con cúp học mẹ sẽ la và thất vọng.” Tôi không ngờ cháu lại có suy nghĩ muốn tự tử dễ dàng như vậy. Tôi đã nói chuyện nhiều với cháu nhưng không biết cháu đã hiểu chưa, xin hỏi tôi phải làm gì nữa để con tôi không còn muốn bỏ nhà đi hay tự tử? Cám ơn cô. – Yến Thi, 49t, TP.HCM

Cô Ngọc: Có thể đến bây giờ chị vẫn chưa hiểu hết những áp lực mà chị đã tạo ra cho con gái. Chị nói nhiều với con, giải thích nhiều với con nhưng chị có cho con biết là chị cần con hơn tất cả những gì chị có. Vì trước đây, chị không hiểu khả năng của con cũng như chị kỳ vọng quá nhiều vào con. Giờ đây, chị hãy cho cháu tự đặt ra mục đích, tự lựa chọn giải pháp để giải quyết vấn đề của mình.

Thậm chí, nếu cháu cần nghỉ học, chị cũng nên cho cháu nghỉ tạm một học kỳ. Nếu một mình chị không an tâm về phương pháp giải quyết vấn đề của con, chị hãy tìm kiếm sự giúp sức của giáo viên và bạn bè của con, hoặc 1 người thân nào đó có uy tín với con.

Thưa cô. Em nhầm tưởng rằng khi nói ra những điều mình không hài lòng về bạn thì bạn sẽ vui vẻ sửa chữa, nhưng mấy ngày hôm nay trên lớp, bạn ấy nhìn em với một ánh mắt lạnh lùng, khó ưa, mặc dù em vẫn nói chuyện với bạn ấy, nhưng bạn ấy tỏ thái độ giận và không nói chuyện với em. Thưa cô, em phải làm sao để tình cảm bạn bè trở nên tốt hơn. Em cám ơn cô. – Lưu Thị Hoàng Trâm, 16t, Hoài Châu Bắc – Hoài Nhơn – Bình Định

Cô Ngọc: Có lẽ lòng tốt của em không được bộc lộ đúng lúc và đúng cách. Nhận xét cái sai về bạn đòi hỏi phải tế nhị, chân thành, thiện chí và phải biết bạn có cần nghe hay không. Làm người tốt khó lắm. Em ráng giữ mối quan hệ bình thường với bạn và kiên trì thêm chút nữa có thể bạn sẽ hiểu ra.

Thưa cô. Em đang là một sinh viên và cuộc sống của sinh viên thì gặp nhiều khó khăn, nhất là trong chuyện tiền bạc cũng như tình cảm. Em tự thấy mình là một người mạnh mẽ, nhưng lại cả tin, dễ mềm lòng với những nỗi khổ của người khác. Hiện giờ rắc rối em gặp phải là em rất thương gia đình nên chỉ muốn tập trung vào học để thành đạt, nhưng em lại vướng vào chuyện tình cảm, cố gạt chuyện tình cảm qua một bên, cố gắng đẩy người đó ra xa, nhưng người đó vẫn không đi…
 
Em cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi. Vì em biết em là một người giàu tình cảm, nếu dính vào chuyện tình yêu thì chắc chắn việc học của em sẽ không toàn tâm toàn ý. Mong cô chỉ cho em hướng đi tốt nhất! Em cám ơn cô. – Phương Thảo, 19t, TP.HCM

Cô Ngọc: Em cần tham gia vào những hoạt đông tập thể để rèn luyện thêm những kỹ năng sống cũng như tham gia vào 1 số lớp học về kỹ năng giao tiếp, về tình bạn tình yêu. Khi hiểu được bản chất của tình bạn tình yêu, em sẽ tự tin hơn và giải tỏa được áp lực cho mình.

Thưa thầy, ba mẹ em sắp ly hôn. Chuyện của ba mẹ thật sự em không biết rõ lắm chỉ biết hai người bỗng nhiên muốn ly hôn. Em vẫn còn yêu thương cả hai và không muốn sự chia ly đau khổ này. Sắp tới ba mẹ nói Tòa sẽ hỏi em tự quyết định theo sống với ba hay mẹ. Thưa thầy, quả là một áp lực cho em vì em không thể sống với người này mà bỏ người kia. Xin thầy giúp em một lời tư vấn, phải làm thế nào là tốt nhất? Em xin cám ơn thầy. – Hoàng Lan, 18t, Thái Nguyên

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Trong cuộc sống có rất nhiều điều không như ý mình muốn. Nếu không thay đổi được thực tế, chúng ta hãy thay đổi thái độ của mình để chấp nhận nó và tìm cách thích nghi với nó.

Nếu đã đến mức li hôn, có lẽ bố mẹ có những nổi khổ riêng và họ thật sự cần sự an ủi và yêu thương của bạn. Thay vì đau buồn và dằn vặt vì gia đình, tại sao bạn không là một chỗ dựa tinh thần cho cha mẹ trong giai đoạn đầy khó khăn này. Đó mới là một đứa con bản lĩnh.

Thầy rất thông cảm vì em không thể nào xé làm hai để sống trọn trái tim của mình giành cho cả cha và mẹ. Nhưng sống với một người không phải mình đánh mất hoàn toàn tình cảm với người còn lại. Rất nhiều bạn teen cũng gặp cảnh gia đình tan vỡ, nhưng bạn ấy vẫn sống tốt, sống hạnh phúc và gìn giữ mối dây liên hệ với cả hai bên.

Về việc chọn sống chung với ba hay mẹ, nên có sự cân nhắc dựa trên hai tiêu chí sau đây:

Thứ nhất, về bản thân em, sống với bố hay mẹ sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để học tập và trưởng thành. Thứ hai, hãy tưởng tượng không có em sống bên cạnh, bố và mẹ ai sẽ khó vượt qua hơn trong tình cảm và cuộc sống. Từ đó hãy có quyết định dù là quyết định rất khó khăn.

Sau khi đã có quyết định của mình, em nên tiếp xúc với người còn lại để chia sẻ sự lo lắng, sự cảm thông của mình về họ và hỏi ý kiến họ về quyết định của mình để họ không cảm thấy sốc và cảm thấy bị em bỏ rơi.

Sau khi người kia về mái nhà mới, em nên thường xuyên liên lạc, gặp gỡ và thể hiện sự quan tâm để giúp cho người ấy thích nghi dần với cuộc sống mới mà không có em.

Một thông điệp chung cho các bạn teen rơi vào hoàn cảnh này: Thay vì đau khổ và oán trách, hãy là người đứng ở giữa làm chỗ dựa tinh thần cho hai người mà mình yêu thương nhất. Khi đó không chỉ có em mà cả bố mẹ đều sẽ dễ dàng vượt qua hơn.
 
Thưa cô. Em đang học một trường chuyên của TP. Hiện nay, áp lực học tập của em là rất lớn. Tuy nhiên, em cảm thấy mình chỉ học đối phó, học vì điểm số nhiều hơn là những gì mình có thể nhớ đến sau này, khi thi cử xong, kiểm tra xong, em không còn nhớ gì nữa. Áp lực từ việc chạy bài, học vẹt khiến em mệt mỏi. Em thật sự chưa tìm thấy được niềm đam mê và lúc nào cũng thấy phải học hành trong áp lực. Xin cô cho em lời khuyên. Em cám ơn cô. – Minh Nguyên, 16t, TPHCM
 
Cô Ngọc: Điều đầu tiên cô muốn em biết là không có công việc gì mà không có áp lực, cho nên học hành bị áp lực cũng là chuyện thường tình. Tuy nhiên, mình có thể làm chủ áp lực bằng cách những gì cần đối phó thì vẫn phải đối phó, những gì mình cần bản chất thật thì mình sẽ cố gắng thực hiện cho mình. Cô có cảm giác em hơi cầu toàn nên đã tự tạo áp lực cho mình. Cố gắng cân nhấc lại em nhé!

Thưa cô. Em gặp quá nhiều áp lực từ chuyện học hành như hàng ngày vừa đi học ở trường xong rồi lại chạy đi học thêm cho đến 9h45 tối mới về, tuần nào cũng vậy em cảm thấy vô cùng chán chường khi nhắc đến 5 từ “Cho con nghỉ học thêm” vì khi nhắc đến thì em lại nghe những lời la mắng nên em đã bị trầm cảm 1 tuần liền sau đó! Xin cô tư vấn giúp em làm cách nào cảm thấy thoải mái như ngày xưa. – Nguyên, 13t, Tp.HCM

Cô Ngọc: Em nên nhờ ai đó thân thiết và có uy tín với cha mẹ trình bày vấn đề của em cho cha mẹ hiểu. Em cũng cần lên kế hoạch tự học khi không đi học thêm.

Con kính chào cô, con rất khó tập trung trong lúc học bài và làm bài tập. Con đang học đại học nên con thấy với tình trạng học bài lâu thuộc (một đoạn văn khoảng 10-12 dòng con phải mất cả ngày mới thuộc) thì khó mà đạt kết quả tốt ạ. Điều đó làm con cảm thấy có nhiều áp lực khi bài vở càng ngày càng nhiều: “Làm sao con có thể học bài hết tất cả các môn đã đăng kí?” Con mong cô cho con vài giải pháp để con có thể học bài mau thuộc hơn,… Con chân thành cám ơn cô! – Hồng Yến, 20t, Đồng Nai

Cô Ngọc: Cô rất khâm phục khả năng học thuộc lòng của em. Khi học đại học, không thể nào học thuộc lòng hết tất cả kiến thức. Em hãy thay đổi phương pháp học. Cố gắng ghi chép bài và lắng nghe giáo viên giảng để hiểu bài. Rèn luyện cách trình bày những hiểu biết của mình theo 1 yêu cầu nhất định.

Em cũng nên học kỹ năng tóm tắt kiến thức khi đọc 1 tài liệu nào đó. Tất cả những điều này không dễ thực hiện ở giai đoạn đầu, nhưng nếu em tập luyện được kết quả học tập sẽ cao hơn. Chúc em thành công.

Thưa cô. Em yêu 1 anh hơn em 3 tuổi. Nhưng anh chỉ xem em là bạn thân. Anh luôn muốn em thoải mái trở lại để làm bạn anh nên thường hẹn gặp em. Nhưng thực sự em vẫn chưa thể thoải mái và sợ khi gặp lại anh ấy sẽ yêu anh hơn và khó mà là bạn. Vậy em nên làm thế nào để vượt qua? – Mèo Con, 26t, Sóc Sơn

Cô Ngọc: Nếu em chưa đủ bình tĩnh để làm chủ cảm xúc của mình thì không nên gặp lại anh ấy. Em cũng nên nói cho anh ấy biết như thế để anh ấy đừng đưa em vào tình huống khó xử. Nếu sau khi em nói xong mà anh ấy vẫn hẹn em thì có vẻ như anh ấy không phải là người nghiêm túc đâu.

Thưa thầy, dạo này bài vở ở trường quá nhiều đã gây áp lực cho em, đã vậy mối quan hệ với bạn bè của em rất nặng nề, nào là ganh ghét, đố kị, châm biếm…Em phải làm sao để giảm bớt những căng thẳng này? – Hồ Hồng Hạnh, 17t, TPHCM

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: Muốn vượt qua những áp lực và căng thẳng, phải giải quyết ngay từ nguyên nhân.

Em sẽ làm gì nếu thầy trao cho em một tờ giấy và yêu cầu em trong vòng 20 giây hãy xếp thành cái máy bay hay bất kì kiểu dáng gì sao cho tờ giấy có thể bay xa nhất. Hầu hết các bạn teen đều cắm cúi xếp thành cái máy bay thông thường, nhưng các bạn không nhận ra rằng nếu tư duy thêm một chút, bạn có thể vo nó thành một cái đĩa bay và ném đi rất xa trong vòng 5 giây mà thôi mà không cần đến 20 giây.

Như vậy làm bất cứ việc gì cũng phải có phương pháp, không phải cắm cúi học càng nhiều là tốt. Em hãy dành ra một khoảng thời gian tìm ra phương pháp học phù hợp với từng môn sao cho tiết kiệm công sức, tiết kiệm thời gian mà hiệu quả lại cao. Em có những chuyên gia bên cạnh là thầy cô, bạn bè học giỏi để hỗ trợ cho mình tìm ra cách học đúng.

Song song đó, nếu ai đó giao cho một hòn đá nặng, em có quyền giữ nó trong lòng hoặc từ chối và để sang một bên. Trong cuộc sống, có rất nhiều hòn đá, quan trọng là mình biết để sang một bên những hòn đá nào không cần thiết hoặc tạm gác nó lại để dồn sức cho một nhiệm vụ quan trọng khác. Sự ganh ghét đố kị hay châm biếm có đáng để em phải nặng lòng và bị ám ảnh hay không?

Căng thẳng sẽ không thể nào xử lý được căng thẳng, mà em chỉ có thể vượt qua bằng cách thay đổi cách nhìn của mình, hoặc xắn tay áo hành động để thay đổi hoàn cảnh đã làm cho em căng thẳng. Đừng để những giông bão không mong muốn trong cuộc đời xô em ngã mà hãy bản lĩnh đứng lên làm chủ suy nghĩ, cảm xúc và cuộc đời mình.

Thưa cô. Em là sinh viên năm nhất và đây không phải là đầu tiên em sống xa nhà, không được gia đình bảo bọc. Thế nhưng em luôn cảm thấy cuộc sống sinh viên rất nặng nề, em thấy lạ lẫm với tất cả và rất khó hòa nhập với các bạn sinh viên đồng cảnh. Bạn bè luôn nghĩ rằng em khó chơi…nên cũng chẳng muốn kết bạn với em. Thưa cô em phải làm gì bây giờ? – Only Love, 20t, Cần Thơ

Cô Ngọc: Nếu em không xòe tay ra, thì em không thể nắm được tay ai. Em phải chủ động gia nhập vào các hoạt đông chung của trường lớp thì các bạn mới có cơ hội hiểu mình. Nếu từ đầu không thể thiết lập mối quan hệ cá nhân thì em nên thiết lập mối quan hệ chung. Mọi thứ đều cần sự ủng hộ của thời gian.

Thưa cô. Gia đình em hiện tại hơi khó khăn về tài chính. Em đang học đại học năm nhất, em có đi làm thêm để kiếm thêm tiền phụ gia đình nhưng cũng không đủ! Em định đi làm thêm 1 việc nữa nhưng em phân vân không biết có nên hay không vì em sợ mình sao lãng việc học. Theo cô em phải làm thế nào? Có nên kiếm thêm việc làm để giúp đỡ gia đình không? Em cám ơn cô ạ! – Kỳ Tâm, 19t, Tp.HCM

Cô Ngọc: Em cần nhớ nhiệm vụ của em bây giờ là học hành. Em sẽ giúp gia đình nhiều hơn và tốt hơn khi em ra trường nhanh, kết quả cao và tìm được việc làm tốt. Vì vậy nếu thật sự không cần thiết, em nên chú tâm vào việc học và chuẩn bị tốt nhất cho việc tìm kiếm việc làm sau này.

Thưa cô, em đang là sinh viên năm thứ nhất, từ quê lên thành phố học tập, em hiện giờ đang cảm thấy rất cô đơn. Gia đình thì gặp nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Em đang học ở ĐH Kiến Trúc, một ngành học cần nhiều chi phí. Sự đối mặt những thiếu thốn làm em luôn căng thẳng. Thưa cô phải làm sao để vượt qua những khó khăn lúc này. – Hanh, 19t, Tp.HCM

Cô Ngọc: Ngành học kiến trúc là 1 ngành có thể tìm được nhiều việc làm thêm. Em thử liên hệ với tổ chức Đoàn, Hội của trường hoặc Nhà văn hóa Thanh Niên để tìm việc làm thêm. Nếu tình cảnh quá khó khăn, em thử nhờ sự trợ giúp của báo, đài.

… còn tiếp

Tham Vấn Tâm Lý