Thấy chồng bừa bộn, chị Lan nhắc nhở nhiều lần nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Trong lúc tức giận chị đã nói những lời xúc phạm chồng. Chạm tự ái nam nhi, anh nổi đóa, quát mắng rồi đâm đơn ly dị.

Đôi mắt thâm quầng, gương mặt hốc hác sau mấy đêm liền không ngủ, chị Lan (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết vừa ký vào đơn ly dị và chuẩn bị nộp ra tòa. Đây là kết cục hôn nhân buồn mà người mẹ một con không hề muốn, dù chị đã nhiều lần xuống nước năn nỉ nhưng chồng khăng khăng đòi dứt áo ra đi.

“Anh ấy thương vợ con lắm, nhưng tôi bực mỗi cái tính xuề xòa, hay vứt đồ đạc bừa bãi. Tôi nhiều lần ngọt nhạt nhắc nhở mà vẫn không chịu thay đổi. Hôm đó đi làm về mệt mỏi, con thì khóc, nhà thì bừa bộn, mình mới to tiếng mắng chồng…”, bà mẹ trẻ nước mắt lưng tròng kể lại.

Ảnh minh họa: Health.

Còn chị Hương (quận Gò vấp) bảo: “Mình không ngờ sau 8 tháng cưới nhau anh ấy lại thay đổi chóng mặt đến vậy. Trước đây quen nhau và những ngày đầu chung sống tụi mình rất hợp nhau, nhẹ nhàng, nhường nhịn nhau. Nhưng sao bây giờ không ngày nào không cãi nhau”.

Chị kể, mới tháng trước, vợ chồng lời qua tiếng lại rồi giận nhau cả 2-3 ngày chẳng ai nói với ai câu nào. “Lý do chẳng có gì to tát, chỉ là những chuyện lặt vặt trong nhà, nấu cơm, rửa chén. Mới lấy nhau mà đã như vậy làm sao sống với nhau lâu dài được”, người phụ nữ quê gốc Hà Tĩnh chép miệng ngao ngán.

Trò chuyện với chị em về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Trần Đăng Thảo, Văn phòng Tư vấn TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM viện dẫn một số kết quả nghiên cứu tâm lý về hôn nhân gia đình cho thấy, phần lớn mâu thuẫn vợ chồng xuất phát từ những chuyện vụn vặt trong cuộc sống thường ngày. Nhưng do cái tôi, sự tự ái, hiếu thắng, nhiều người không thể kiềm chế lời nói, cảm xúc, hành động và đã làm tổn thương bạn đời. Nhiều trường hợp mất lòng rồi giận hờn, chiến tranh lạnh và lâu dần gây ức chế, tích tụ dẫn đến ly thân, ly hôn.

Chuyên viên tư vấn cho biết, một trong những yếu tố quan trọng cho cuộc sống chung bền vững, hạnh phúc đó là sự hoà hợp, cảm thông và nhường nhịn nhau. Hai con người thuộc hai giới tính nên rất khác biệt, khi về chung sống dưới một mái nhà chắc chắn không tránh khỏi những va chạm, bất đồng.

Cũng theo ông Thảo, trên thực tế những chuyện bất hoà trong gia đình mới cưới là điều bình thường và không thể tránh khỏi. Nhưng nếu những mâu thuẫn ấy không được “tháo ngòi” ngay mà kéo dài triền miên và xuất hiện ngày càng nhiều thì cần xem lại.

Có những nguyên tắc bất di bất dịch khi xảy ra mâu thuẫn tưởng chừng là điều “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng không phải ai cũng làm được. Đó là trước những xích mích phải bình tĩnh, biết kiềm chế lời nói, cảm xúc của mình. Để khi qua cơn giận, hãy nói chuyện, trao đổi với nhau bằng những lời lẽ nhẹ nhàng, có tình có lý, trên tinh thần tôn trọng và xây dựng để bảo vệ tình yêu, hạnh phúc gia đình. Nếu không giữ được nguyên tắc trên thì những cuộc tranh luận sẽ đào thêm hố sâu khoảng cách khiến vợ chồng xa nhau hơn mà thôi.

Ông Thảo cũng nêu lên một số lưu ý khi vợ chồng tranh luận với nhau như sau:

1. Không cố gắng phân định kẻ thắng, người thua

Cố phân định ai thắng, ai thua trong cuộc tranh luận là sai lầm nghiêm trọng mà nhiều vợ chồng hay mắc phải. Khi cãi nhau, họ thường đưa ra những chứng cứ, lập luận chứng minh mình đúng và người kia sai. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng, trong “cuộc chiến” giữa hai kẻ yêu nhau, chiến thắng của người này chính là thất bại của người kia, mà kẻ bại chính là người bạn yêu thương.

“Chiến thắng để rồi nhìn người mình yêu thương thất bại thì kết cục đó không phải là hạnh phúc, nó chẳng khác gì sự thất bại”, vị chuyên viên phân tích. Vì thế, mỗi khi bất đồng quan điểm về một vấn đề nào đó, vợ chồng hãy cùng khách quan tìm hiểu nguyên nhân rồi mới lựa chọn biện pháp giải quyết. Việc này khó thực hiện khi cả hai còn trong trạng thái “nóng mặt” nên nếu ngay lúc đó, cảm thấy chưa thể “bằng mặt”, bạn nhịn và đi nơi khác, đợi khi nào vợ/chồng bớt giận hãy trao đổi, phân trần.

2. Kiềm chế lời nói

Thường khi hai người không kiềm chế được cảm xúc dễ dẫn đến những kiểu xưng hô, nói năng cộc cằn, xúc phạm hoặc dùng đại từ nhân xưng kiểu như “cô, tôi, mày, tao”, thậm chí chửi bới họ hàng của nhau. Những kiểu nói này thường để lại ấn tượng không tốt và làm tổn thương nhau lâu dài.

3. Đừng “chuyện bé xé ra to”

Hãy khoanh vùng những điểm mâu thuẫn bất đồng. Cần xác định vấn đề nào gây xung đột để trao đổi với nhau. Khi tranh luận, hãy tập trung giải quyết vấn đề, đừng quá chấp nhặt thái độ, hành vi, cử chỉ của người đối diện, dễ khiến bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình. Trên thực tế, nhiều vợ chồng sau một hồi tranh luận không nhớ mình đang nói vấn đề gì, chỉ chăm chăm bắt lỗi đối phương về những lời lẽ không hay với mình, từ đó gây ra xung đột lớn hơn.

4. Nghiêm túc chất vấn bản thân sau những tranh luận, cãi vã

Không ai đúng hoàn toàn và cũng không ai sai hoàn toàn trong một cuộc tranh cãi giữa vợ chồng. Điều quan trọng là mỗi người hãy nhìn lại mình, nhận ra những sai lầm của bản thân và chân thành nhận lỗi với nhau. Sau đó bằng tình yêu, sự tôn trọng hãy tha thứ bỏ qua cho nhau. Nếu quá khó, hãy học hỏi bí quyết giữ lửa tình của các cặp vợ chồng hạnh phúc. Điều quan trọng, bạn phải xác định rằng cả hai đang là bạn đồng hành, cùng chung tay xây dựng cho cuộc sống gia đình phía trước chứ không phải là đối thủ trên “chiến trường cuộc đời”.

Hải Đăng

Tham Vấn Tâm Lý