Con gái tôi 14 tuổi, sắp vào lớp 9, rất xinh xắn, phổng phao, không thích học, chỉ thích tụ tập, chơi bời. Vợ chồng tôi đã khuyên bảo, mắng mỏ, thậm chí đánh phạt nhưng cháu không thay đổi.

Cháu đã có bạn trai và hay bỏ học đi chơi với bạn. Anh chàng kia con nhà khá giả, hay mua đồ cho con gái tôi. Gần đây, cháu đòi chuyển sang nhà bạn trai ở, bố mẹ cấm đoán không nghe. Nó nói sẽ “sống thử” một thời gian với bạn trai xem có hợp không rồi cưới. Chúng tôi sốc đến mức không biết phải làm thế nào. Xin một lời khuyên chân thành. (Phượng)

Trả lời:

Trái với những gì cần làm là khuyên bảo, anh chị lại mắng mỏ, đánh phạt cháu – điều làm cho cháu nghĩ bố mẹ không hiểu, không yêu mình hoặc suy nghĩ cổ hủ, cố chấp và sẽ không bao giờ chịu nghe mình. Cha mẹ cần hành động ngược lại là thể hiện quan tâm và suy nghĩ về những quan điểm của cháu. Cách làm này ít nhất để anh chị còn biết được cháu đang làm gì và có kế hoạch làm gì có nguy cơ gây tổn thương đến bản thân không.

Đầu tiên anh chị nên nói chuyện cởi mở với con, cùng con phân tích những cái được và không được nếu như con chuyển sang nhà người bạn trai kia để ở. Ví dụ con sẽ làm gì và sống như thế nào ở nhà bạn ấy? Mọi người trong gia đình bạn ấy sẽ sống với con như thế nào và suy nghĩ gì về con? Mọi người xung quanh con và xung quanh gia đình mình nữa? Con có thể làm gì để đảm bảo cuộc sống của con không bị phụ thuộc vào những người mà không phải là người thân ruột thịt của con…

Tiếp đến, anh chị nên có một buổi nói chuyện cởi mở với cả cháu và bạn trai, trong đó đưa ra những mong muốn, tưởng tượng về cuộc sống tương lai của cháu để thử phản ứng của người bạn trai. Cha mẹ không thể khuyên cháu trực tiếp nhưng phản ứng của bạn trai về những giá trị mà cháu mong muốn có thể sẽ khiến cháu thay đổi quyết định của mình.

Một cuộc nói chuyện tiếp theo với gia đình bạn trai có thể cần thiết để cùng quản lý, bảo vệ cả 2 bạn trẻ. Anh chị cũng cần đánh giá lại xem năng lực của con gái mình như thế nào để điều chỉnh lại kỳ vọng của gia đình và lên kế hoạch tương lai của cháu. Chẳng hạn lực học của cháu không tốt và cháu không có động cơ học tập thì cha mẹ nên có những động thái chuẩn bị và định hướng nghề nghiệp mà cháu có thể đạt được để tự lo cho bản thân một cách độc lập.

Thứ nữa, cũng cần nói rõ với cháu về các điều kiện học hành của cháu cũng như những chu cấp của bố mẹ tạo điều kiện cho cháu nếu cháu học tiếp để cháu tự cân nhắc.

Nói chung, cha mẹ nên là một người bạn của con, có những định hướng và phân tích những giá trị để con tự nhận ra, giúp chúng tìm được cách giải quyết hợp lý nhất trong mọi trường hợp. Điều đó sẽ giúp con trẻ tin cậy cha mẹ và giúp trẻ có những định hướng và cách giải quyết phù hợp hơn trong mọi vấn đề của trẻ.

Thạc sĩ Trần Thành Nam
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC

Tham Vấn Tâm Lý