Dù rất phổ biến, vẫn có nhiều điều mẹ bầu chưa rõ “tất tần tật” về phương pháp này, nhất là những thay đổi của cơ thể, hay các di chứng có thể xảy ra sau mỗi ca đẻ mổ. Cũng có không ít mẹ nhận ra rằng, sinh mổ không hề dễ chịu và nhẹ nhàng hơn đẻ thường là mấy. Tham khảo kinh nghiệm từ những chị em đã từng kinh qua đẻ mổ sẽ giúp mẹ bầu chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho lần vượt cạn trên bàn mổ sắp tới của mình.
Lần đầu sinh mổ, có thể chị em sẽ phải đối diện với hàng loạt biến đổi cơ thể đầy khó chịu cùng những di chứng khác lạ.

Sinh mổ hiện đang được cả mẹ bầu lẫn bác sĩ sản khoa “ưa chuộng”, dù vẫn còn nhiều tranh cãi giữa lợi ích và tác động xấu của phương pháp này đối với sức khỏe của mẹ và bé. Theo thống kê, tỷ lệ sinh mổ tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang không ngừng gia tăng. Hiện tại ở TP HCM,  tỷ lệ sinh mổ chiếm đến 29,5% ca sinh, ở Hà Nội là 31,3%, trong khi ở Hàn Quốc lên đến 35,2%, ở Đức là 31,4% và ở Trung Quốc tới hơn 50%.

Dù rất phổ biến, vẫn có nhiều điều mẹ bầu chưa rõ “tất tần tật” về phương pháp này, nhất là những thay đổi của cơ thể, hay các di chứng có thể xảy ra sau mỗi ca đẻ mổ. Cũng có không ít mẹ nhận ra rằng, sinh mổ không hề dễ chịu và nhẹ nhàng hơn đẻ thường là mấy. Tham khảo kinh nghiệm từ những chị em đã từng kinh qua đẻ mổ sẽ giúp mẹ bầu chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho lần vượt cạn trên bàn mổ sắp tới của mình.

Âm đạo vẫn xuất huyết như đẻ thường

Do nghĩ rằng sinh mổ bé không qua đường âm đạo thì làm sao có thể chảy máu như đẻ thường, nên khi vừa hồi tỉnh sau cuộc phẫu thuật, chị Minh – mẹ bé Bin (Q12, TP HCM) đã rất hốt hoảng: “Em hãi hùng khi cảm nhận được máu vẫn đang rỉ ra ở cửa mình. Mới lần đầu sinh con nên cả em và ông xã đều chẳng có kinh nghiệm gì, nghe người ta nói sau sinh dễ bị hậu sản nên 2 vợ chồng cuống cả lên. Tội nhất là ông chồng vội vội vàng vàng chạy đi tìm bác sĩ, để rồi bị mắng cho 1 trận là “máu ra anh chị phải mừng ấy chứ, nó mà không ra mới gọi là nguy”. Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy vừa ngại vừa tự trách mình không chịu tìm hiểu kĩ trước khi lên bàn mổ …”.

Mẹ bầu sinh mổ lần đầu nên biết rằng, ra sản dịch là điều hoàn toàn bình thường ở các sản phụ sau sinh, kể cả sinh thường lẫn đẻ mổ. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do trước khi sinh, tử cung cần được mở rộng nhằm chuẩn bị cho bé chui ra ngoài dễ dàng hơn. Vì vậy sau khi sinh cũng là lúc tử cung đã hoàn thành “sứ mệnh” và bắt đầu quá trình hồi phục: các niêm mạc tử cung bị hoại tử, xơ hóa rồi bong ra lẫn với các cục máu đông nhỏ từ vết thương nơi nhau bám, kèm với chất nhầy tử cung thoát ra ngoài qua đường âm đạo. Quá trình này thường kéo dài từ 2 -6 tuần với cả mẹ sinh thường và sinh mổ. Cũng theo các bác sĩ, bế sản dịch hay xảy ra ở những chị em nằm nhiều, ít đi lại, vận động. Do đó, dù vẫn còn bị vết đau mổ hành hạ, sau 1 ngày sinh bé, mẹ vẫn nên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng để vừa tránh tình trạng ứ sản dịch vừa phòng ngừa nguy cơ bị dính ruột, tắc mạch máu v.v…

Cảm giác bị run, giật mạnh hoặc lạnh cóng

Bị rét run, giật mạnh hoặc lạnh cóng sau vượt cạn không chỉ là hiện tượng thường gặp khi sinh thường mà nhiều mẹ sinh mổ cũng không may rơi vào hoàn cảnh này. Tâm sự với những mẹ khác trên 1 diễn đàn làm mẹ, chị Thanh Hương cho biết, đến giờ nghĩ lại chị vẫn còn thấy sợ dù chị sinh mổ bé Mimi từ năm 2008. “Vừa về phòng hồi sức là người em cứ bị giật tưng tưng, đã vậy còn bị lạnh đến tái cả người, muốn vẫy tay hoặc kêu bác sĩ cho xin thêm cái chăn để đắp mà lưỡi cứ cứng đơ, tay chân không thể điều khiển được, cũng không nói thành lời được luôn. Em bị khoảng 2 tiếng rồi ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thì hết hẳn. Em không hiểu lúc đó bị sao nữa nhưng giờ nghĩ lại vẫn thấy cảm giác đó rất đáng sợ …”.

Tình trạng cơ thể bị giật mạnh cũng thường xảy ra sau khi sản phụ bị gây tê và trong quá trình phẫu thuật lấy bé ra khỏi cơ thể mẹ. Một số chị em còn có cảm gác bị giật mạnh hoặc bị lục lọi gì đó trong bụng vùng tử cung nhưng không thấy đau. Theo tiến sĩ Carolyn Eskridge, công tác tại bệnh viện phụ sản ở Charlotte, Bắc California, việc cơ thể bị rung, rét hoặc lạnh cóng sau sinh là hoàn toàn bình thường, nhất là với những trường hợp sinh mổ bằng phương pháp gây tê tại cột sống. Bà cũng khuyên các chị em đừng quá lo lắng nếu rơi vào trường hợp này vì “nó sẽ giảm 1 cách nhanh chóng. Với những trường hợp gây tê tại cột sống, các biểu hiện này thường biến mất sau 1 vài giờ”.

Ngoài ra, nếu bị rét run nhưng mạch, nhiệt độ, huyết áp vẫn bình thường thì mẹ cũng không cần phải hoang mang, vì đây là tình trạng rét run sinh lý rất thường gặp ở cả mẹ sinh thường lẫn đẻ mổ. Chỉ nên lưu ý để phân biệt rét run sinh lý với rét run do choáng mất máu, với sự thay đổi về mạch, mẹ bị vã mồ hôi, các chi lạnh cóng v.v…

Cười, ho hay hắt hơi cũng gây … đau

Chị Nguyễn Hạnh (Q. Gò Vấp, TP HCM) vẫn chưa hết sợ khi nhớ lại cảm giác đau sau sinh mổ: “Lúc có bầu bé Nina, nghe chị em kháo nhau rằng đau đẻ kinh khủng lắm làm em lo lắng không yên. Vì vậy, dù suốt thai kỳ bác sĩ khám thai đều bảo mẹ con khỏe mạnh nên có thể sinh thường, em vẫn chẳng thấy vui vẻ gì. Thế rồi khi lên bàn sinh, do bé to quá em rặn mãi không ra nên lại bị các bác sĩ chuyển qua mổ gấp. Mổ xong rồi mới thấy đau mổ còn gấp cả nghìn lần đau đẻ. Ngồi, đi, vặn người, thậm chí bị ho, hắt hơi có chút xíu cũng đau “thấu tim gan”. Ám ảnh nhất là về nhà được vài hôm thì cậu em chồng nổi tiếng vui tính lên thăm. Nó liếng thoắng một hồi làm em buồn cười quá không nhịn được, nhưng vừa cười xong lại khóc ròng ròng vì đau vết mổ quá sức chịu đựng. Báo hại cậu chàng bị mẹ chồng em mắng cho 1 trận ra trò vì dám chọc … chị cười”.

Theo tiến sĩ Eskridge, sau sinh mổ, các cơn co thắt cơ bắp đơn giản khi cười, ho, hay hắt hơi cũng có thể làm cho mẹ đau đớn. Tuy vậy, các mẹ đừng vội hoảng sợ, vì thông thường cơn đau này chỉ tồi tệ nhất trong khoảng 1 tuần sau sinh bé, rồi sẽ dần bớt đau hơn trong vài tuần sau đó. Cách “sống chung” đơn giản nhất với những cơn đau này là dùng các vật dụng hỗ trợ như gối mềm để ôm chặn ngang bụng khi ho, hắt hơi hay cười để đỡ đau hơn.

Đau đến tận …vai

Đau vết mổ chưa phải là đã hết chuyện, sau sinh mổ, nhiều mẹ còn mắc thêm chứng đau … vai. Chị Hoàng Ly (Q. Tân bình, TP HCM) chia sẻ trên 1 diễn đàn dành cho mẹ và bé như sau: “Sau sinh Ken được 1 ngày, em bị chứng đau vai hành hạ. Người ta nói sau đẻ mổ, mẹ thường bị đau lưng hay đau vết mổ, em đã bị 2 cái ấy thì chớ, lại gộp luôn cả chứng đau vai thế này nữa, báo hại cả người luôn ê ẩm, đau đớn. Không biết đau vai như vậy có phải là biểu hiện của bệnh hậu sản không hả các mẹ? Mẹ chồng thì bảo không sao, từ từ nó hết, nhưng em thấy lo thế nào ấy…”.
Đau vai sau sinh mổ thật ra là hiện tượng bình thường, và nếu không kèm theo sốt cao, chảy sản dịch bất thường v.v… thì các mẹ không cần phải lo lắng quá. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do sau sinh, nhu động ruột hoạt động chậm, khí có thể tích tụ đến cơ hoành, kéo dài lên vai gây đau nhức. Để chống lại điều này, bác sĩ thường cho sản phụ dùng thuốc và khuyến khích chị em đi bộ càng sớm càng tốt, vì đi bộ giúp ruột hoạt động trở lại nhờ đó ngăn ngừa được tình trạng đau đớn do ứ khí trong cơ thể. Các mẹ cũng nên yên tâm vì các cơn đau vai thường sẽ giảm dần trong 1 – 2 ngày sau sinh bé.

Tham Vấn Tâm Lý