Chia sẻ với thamvantamly.com, thạc sĩ Lã Linh Nga, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục, vẫn nhớ những vết rạch chằng chịt từ cánh tay đến cổ tay của Minh (lớp 8).

Chị Nga kể, suốt 7 năm học, Minh luôn đạt học sinh giỏi, là niềm tự hào của gia đình, hay được bố mẹ khoe. Nhưng sang năm lớp 8, em bắt đầu có biểu hiện không chịu học, hay ngủ trong lớp, thức khuya, chán nản, thích xem phim tự sát, đẫm máu và kết quả học sa sút. Đặc biệt suốt 5-6 tháng liền, Minh có hành vi tự hủy hoại bản thân là rạch tay.

“Minh nói khi rạch tay em cảm thấy dễ chịu và đó là cách duy nhất để thoát khỏi áp lực học tập”, thạc sĩ tâm lý Linh Nga kể và cho biết học sinh này đã phàn nàn suốt với chị chuyện bài vở ngày càng nhiều, khó tập trung, không theo kịp các bạn, có giáo viên dạy trên lớp kiến thức cơ bản nhưng lại kiểm tra nâng cao hoặc kiến thức trong đề kiểm tra chỉ có trong lớp dạy thêm.

Bạn của Minh nhiều người cũng kêu chuyện học hành như em, các bạn học chống đối, chơi bời và mặc kệ. Minh không làm ngơ được, luôn cảm thấy chán nản, bế tắc, lạc lõng với bạn bè và dần rút lui, thu mình lại. Em cho rằng mọi người thất vọng về mình, coi thường khi mình học kém đi. Sau 3 tháng điều trị, tâm lý của Minh mới dần ổn định và kiểm soát được hành vi tự hủy hoại bản thân.

Một nữ sinh lớp 9 khác với biểu hiện đau bụng rất nhiều. Sau khi thăm khám thực thể không có vấn đề gì và được xác định là đau bụng tâm căn (rối loạn cơ thể do tâm lý gây ra), em được đưa đến Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục. Gặp chuyên gia tâm lý, nữ sinh luôn than phiền là phải học quá nhiều, không có thời gian chơi. “Trên lớp cứ phải ngồi nghe giảng, hết làm bài tập nọ lại về nhà làm bài tập khác đến 23h rất mệt mỏi”, thạc sĩ Nga nhắc lại lời tâm sự của bệnh nhân. Việc sắp phải đối mặt với kỳ thi lên lớp 10 vào trường tốt cũng là nguyên nhân khiến nữ sinh sợ đến phát bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II tâm thần học, Trưởng phòng khám Ngọc Minh Lã Thị Bưởi cũng chia sẻ một vài trường hợp vì sợ học nên một em lớp 3 cứ chui xuống gầm bàn khi vào tiết học. Có em lớp 9 ngày nào đến trường cũng nhắn tin chán học, dọa chết với mẹ. Có em lớp một, sau một tháng đi học thì cứ đến trường là khóc, nhất định nghỉ học và phải điều trị tâm lý. Khoảng 90% trẻ em đến với phòng khám tâm lý của bác sĩ Bưởi vì bị áp lực học tập.

“Học sinh mới học lớp 1, lớp 2 đến đây, nhiều em than rằng ngày nào cũng phải học đến 22-23h đêm. Tất nhiên có lý do trẻ mất tập trung, nhưng đó là biểu hiện của việc ngại học, cả ngày đã học trên lớp, tối về lại phải làm bài thì làm sao nó chịu được”, TS Bưởi băn khoăn

Không cho rằng chương trình học quá tải, nhưng TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định, đã có rất nhiều trường hợp bị hậu quả nặng nề do áp lực học tập. Nguyên nhân chính là yêu cầu và kỳ vọng quá cao của gia đình, giáo viên. Ít nhất mỗi ngày TS Hương nhận được 5 lời tâm sự, trong đó có 3 phàn nàn về việc học tập gây áp lực cho phụ huynh, học sinh.

Một trường hợp đã tìm đến TS Hương tư vấn và điều trị tâm lý là Thành, học sinh lớp 9, suốt 3-4 tháng ngày nào đi học về cũng khóc rưng rức, rồi phá phách và không chịu tắm. Phụ huynh chỉ cho rằng con mình yếu đuối, quá bẩn, hoàn toàn không nghĩ Thành bị sốc tâm lý, bởi em vẫn được chăm học, bố mẹ sống hạnh phúc.

Qua tâm sự, TS Hương biết từ bé Thành luôn là học sinh giỏi, đạt nhiều giải về học tập. Em là niềm tự hào và được đặt kỳ vọng lớn của gia đình, cô giáo. Bố mẹ thường nói với Thành đừng làm xấu hổ gia đình, phải vinh danh cho cả nhà. Cô giáo khi thấy em bị điểm thấp hơn cũng hỏi tại sao và trông đợi thành tích tốt ở học trò này.

“Bố mẹ Thành đã rất hào hứng kể về thành tích nọ, giải thưởng kia của con và tôi nhận ra vấn đề học sinh này gặp phải liên quan đến học tập. Tôi đề nghị cho Thành nghỉ học một tuần, nhưng trái với phản ứng thích thú thông thường của trẻ, em kháng cự dữ dội. Thành sợ nghỉ một tuần sẽ không đủ thời gian lấy lại bài cũ. Mới làm một phép thử mà học sinh đã nhảy cẫng lên thì đó là nguyên nhân khiến em có những biểu hiện bất thường”, TS Hương nói.

Tìm ra nguyên nhân là bị áp lực học tập, Thành sau đó phải tham gia điều trị tâm lý. Bố mẹ và cô giáo của em cũng phải xóa kỳ vọng quá cao ở Thành, không bắt con thi trường chuyên hay đòi hỏi điểm số. 6 tháng sau khi điều trị, Thành mới bình thường trở lại. Tuy nhiên, cơn sốc tâm lý vẫn để lại dấu ấn lớn cho học sinh này. Đến giờ thỉnh thoảng em vẫn vào nhà tắm khóc một mình.

Theo TS Hương, số trẻ lớp một chán và sợ học chiếm tỷ lệ khá cao. Những bài tập về nhà gây sức ép lớn cho học sinh mới chuyển từ môi trường mẫu giáo chỉ có vui chơi. “Rất nhiều em đã nói với tôi rằng chỉ thích ở mãi mẫu giáo, không đi lớp một vì sợ học bài”, TS Hương kể.

Nhà giáo dục này phân tích rằng, những biểu hiện bất thường, phá phách, thích nói bậy để bị phạt… của trẻ chính là lời cảnh báo và kêu cứu với mọi người xung quanh.

Cả ba nhà tâm lý, giáo dục kể trên đều chỉ ra cách giải quyết áp lực học tập cho trẻ là giảm thời lượng và khối lượng học tập, tăng thời gian vui chơi, thể dục thể thao, gia đình và nhà trường phối hợp bỏ kỳ vọng thành tích cao ở trẻ…

Chương trình giảng dạy với yêu cầu cao, liên tục thay đổi, khối lượng công việc nặng cũng khiến nhiều giáo viên áp lực. Một số thầy cô đã phải tìm đến chuyên gia tâm lý để điều trị vì quá mệt mỏi với việc chạy đua theo chương trình đổi mới, cạnh tranh, chạy đua thành tích giữa các giáo viên trong trường. Hầu hết những người này đều tầm 40-50 tuổi.

Tham Vấn Tâm Lý