Anh chị em chành chọe nhau là chuyện bình thường trong những gia đình có từ hai con trở lên. Nó chỉ trở nên đáng lo khi một đứa bắt nạt hoặc thống trị đứa kia; và trong những trường hợp như vậy, vấn đề thực ra phức tạp hơn cả những gì nó thể hiện.

Các con bạn thường xuyên trong tình trạng “chiến tranh”? (Ảnh: Inmagine)

Ngoài mặt, mấy đứa nhỏ nhà bạn thường trực trong tình trạng “chiến tranh” – suốt ngày chí choé và dường như không thể hoà hợp được với nhau. Có nhiều lý do cho tình trạng trên, nhưng cốt lõi thường do suy nghĩ của đứa trẻ cho rằng mình là nạn nhân hoặc mình kém hơn (những) đứa còn lại. Đứa con này cũng tin rằng mình ít được bố mẹ yêu thương hơn.

Anh chị em ruột tị nạnh nhau là một vấn đề đau đầu, và cả đau lòng nữa, đối với nhiều gia đình. Tuy vậy cạnh tranh và ghen tị là một phần trong cuộc sống. Trách nhiệm của bạn là giúp con học cách quản lý các cảm xúc đi cùng với nó; nếu không, cảm giác về sự bất công, vô lý, và cảm giác mình là nạn nhân… sẽ ngày càng trở nên khó chịu đựng hơn.

Bằng một vài chiến lược đơn giản, bạn có thể dàn xếp được cuộc đấu đá và làm trung gian cho một thoả ước hòa bình trong nhà mình ngay hôm nay.

Đối với đứa hay bắt nạt

Không nên nhầm lẫn bắt nạt với tị nạnh chành choẹ bình thường. Vì vậy, trước khi cung cấp cho bạn các kỹ thuật đối phó với việc cãi cọ hàng ngày giữa anh chị em với nhau, chúng tôi muốn thảo luận về những đứa trẻ tham gia vào mô hình “kẻ bắt nạt – nạn nhân”. Đứa trẻ đóng vai kẻ bắt nạt – thường là đứa nhiều tuổi hơn hoặc mạnh hơn – suốt ngày kiếm chuyện với đứa kia. Đứa bị bắt nạt sẽ tìm ra cách trả đũa, nhưng do không thể trực tiếp chống đối lại, nó sẽ dùng cách lẩm bẩm nói lại hoặc gọi đứa kia bằng biệt danh gì đó.

Nếu một trong các con bạn bắt nạt anh chị em ruột của mình, muốn trở thành kẻ nắm quyền và điều khiển người khác đến mức động tay động chân… đó có thể là biểu hiện của một sự nghi ngờ bản thân tiềm ẩn và lệch lạc nghiêm trọng trong suy nghĩ của trẻ. Bằng cách nào đó, trẻ coi việc gây tổn thương cho người khác để làm cho mình cảm thấy tốt hơn là chuyện bình thường, không có gì sai trái. Trong những trường hợp này, bạn nên bắt tất cả các con chịu trách nhiệm khi có xích mích, nhưng “kẻ gây chiến” phải chịu trách nhiệm về bất kỳ xung đột nào vượt hơn mức cãi cọ thông thường. Tôi không có ý bảo bạn về phe nào, làm như thế sẽ giống như thiên vị, nhưng bạn phải nêu rõ lập trường của mình. Bạn có thể nói “Các con không được bắt nạt anh/chị/em, không được chửi rủa nhau. Làm như vậy các con sẽ bị phạt nặng.”

Trong bất kỳ loại can thiệp nào đối với một đứa trẻ hay bắt nạt anh chị em ruột của mình, bạn phải thách thức suy nghĩ của trẻ. Hãy nói thẳng, “Sao con lại nghĩ mình được phép đánh người khác khi tức giận? Các quy tắc không áp dụng cho con khi con giận ư?” Và nêu rõ quan điểm của mình: “Khi con tức giận, các quy tắc vẫn có hiệu lực, và hình phạt cũng thế.” Đứa có tính bắt nạt sẽ thử thách tất cả mọi người bởi vì đó là cách chúng hay làm – cố gắng áp chế quyền lực của mình lên người khác. Tuy nhiên, làm cha mẹ, bạn cần phải đánh thẳng vào lối suy nghĩ lệch lạc đó và phạt nặng những hành vi tương tự.

Làm cách nào kiểm soát không để các con chành chọe? (Ảnh: Inmagine)

4 cách kiểm soát không để các con chành choẹ

1. Bắt cả hai cùng chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Trong nhiều trường hợp, tất cả các bên tham gia gần như có lỗi ngang nhau. Có thể một đứa nào đó bắt đầu bằng cách trêu chọc hay gọi đứa kia bằng biệt danh này nọ, khởi đầu cho một màn khiêu khích qua lại và gọi nhau bằng đủ thứ tên. Nhưng nếu tất cả đều có tham gia, đứa đấu, đứa đá, tôi khuyên bạn nên bắt tất cả chịu trách nhiệm. Bạn có thể nói, “Các con biết luật rồi đấy, không được cãi nhau. Tất cả đi về phòng mình đợi mười phút trước khi chúng ta nói chuyện.”

Đề ra luật lệ trong nhà rằng nếu xảy ra có tranh cãi giữa các anh chị em, tất cả sẽ phải đi ngủ sớm nửa tiếng đồng hồ. Không quan trọng ai có lỗi, hoặc ai gây sự trước vì xét cho cùng, nếu chỉ có một đứa thì làm sao cãi nhau được chứ.

2. Lập ra một “bàn tranh cãi”

Nếu việc lũ trẻ cãi nhau, đấu đá qua lại là một vấn đề thường xuyên, tôi khuyên các gia đình hãy lập ra “bàn tranh cãi.” Về cơ bản, mỗi tối bạn định ra một khoảng thời gian cho những đứa hay xích mích ngồi xuống bàn để tha hồ mà cãi cọ. Và tôi tin rằng, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy tình trạng đau đầu này sớm chấm dứt như thế nào, bởi vì lũ trẻ sẽ cảm thấy thật ngớ ngẩn khi phải cố nghĩ ra chuyện để gây nhau. Ngay cả khi chẳng có chuyện gì để nói, bạn vẫn hãy bắt con ngồi đó đúng nửa tiếng; chúng chỉ có thể “thoát” nếu trong ngày không cãi nhau đánh nhau. Như vậy, bọn trẻ sẽ có động lực khá lớn để cố gắng nhường nhịn đấy.


Nào, các con cứ tha hồ mà cãi nhau nhé! (Ảnh: Inmagine)

3. Đừng đứng ra làm trọng tài

Làm thế nào bạn để không bị kẹt giữa các cuộc đấu đá của bọn trẻ? Miễn không xảy ra tình trạng bắt nạt, còn thì bạn đừng đóng vai trọng tài, đừng trở thành người xét xử, và đừng quyết định đứa nào đóng vai phản diện. Thay vào đó, hãy nói, “Cứ chành chọe suốt là các con sẽ bị phạt đấy. Các con phải học cách nhường nhịn nhau, nếu không thì tất cả đều sẽ phải chịu trách nhiệm.”

Hình phạt ở đây có thể bao gồm cấm sử dụng trò chơi điện tử, điện thoại di động hay bất cứ điều gì quan trọng đối với lũ trẻ nhà bạn. Tôi luôn khuyên các bậc cha mẹ chừa cho con cái thời gian rảnh rang vào buổi tối hoặc sau giờ học; sau khi hoàn thành bài tập về nhà, bé nên được phép lựa chọn những gì mình muốn làm: xem TV, chơi trò chơi điện tử, chat, hoặc nói chuyện điện thoại… Nhưng nếu cãi nhau, chúng sẽ bị trừ đi khoảng thời gian rảnh đó. Bạn có thể nói với cả hai phe, “Các con đã bị trừ đi phân nửa giờ thời gian rảnh vì không biết cách hoà hợp và thôi cãi nhau. Con có thể đọc sách, ra sân chơi, nhưng không được sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào hết. ”

4. Dập tắt ghen tị

Nếu một trong các con của bạn ghen tị với anh chị em của mình, tôi khuyên bạn cố gắng đừng làm lớn chuyện. Thay vào đó, hãy nói điều gì đó như, “Con biết không, tất cả chúng ta đôi khi đều cảm thấy ghen tị. Anh chơi bóng giỏi, nhưng mẹ đã thấy con làm xong tất cả bài tập toán, và mẹ biết điều đó không dễ tí nào.” Hãy nêu các tính tốt của con, đề cập đến những việc cụ thể bé làm mà bạn đã thấy hoặc nghe kể, và cho con biết rằng bạn cũng đánh giá cao nỗ lực của bé chẳng kém so với các anh chị em của bé.

Thông thường, nếu một đứa trẻ có biểu hiện ghen tị và cảm thấy mình như nạn nhân, cha mẹ có xu hướng chú ý đến nó nhiều hơn, bất kể nó là đứa thường xuyên trêu chọc hay bị trêu chọc. Nhưng vậy không phải là hay, những gì bạn đang làm chỉ làm gia tăng cảm giác mình là nạn nhân ở trẻ. Thay vào đó, hãy cố gắng khen tất cả các con ngang nhau. Khi nhận được lời khen ngợi, con sẽ cảm thấy tình cảm từ bạn và trở nên tự tin hơn. Càng nhận được nhiều tình yêu thương và tác động tích cực, trẻ cũng càng ít có xu hướng ghen tị, bởi vì chúng cảm thấy mình được công nhận và đáp ứng các nhu cầu về tình cảm.

Ngoài ra, hãy nhớ dạy con về cách anh chị em nên đối xử với nhau. Làm gương và nói chuyện với con về ý nghĩa của tình cảm gia đình, tình bạn, tập trung vào việc cho các con giúp đỡ lẫn nhau. Hãy nỗ lực để xây dựng ý thức, “Chúng ta phải quan tâm và chăm sóc nhau, chúng ta là một gia đình.”

Dạy con về tình cảm gia đình, tình anh em… (Ảnh: Inmagine)

Gia đình lý tưởng phải là một nơi an toàn, nơi tất cả mọi người được yêu thương đối xử ngang nhau. Các con bạn có thể cảm thấy ganh tị với nhau, nhưng như đã nói, ganh tị là một cảm giác bình thường của con người. Thường thì bất cứ điều gì bạn có thể làm với tư cách cha mẹ cũng không xoá bỏ được hiện tượng anh chị em chành chọe và ganh tị lẫn nhau. Nhưng bạn có thể tìm cách đảm bảo sao cho có đủ tình yêu, sự chăm sóc và tôn trọng chia đều cho tất cả mọi thành viên, cùng lúc đó thiết lập giới hạn để kiểm soát mức độ hỗn loạn nảy sinh từ những cuộc chành chọe này.

Chúc cả nhà vui vẻ!

Tham Vấn Tâm Lý