Nói ngọng là một tật mà không ít trẻ mắc phải. Nghe con líu lo nói ngọng đúng là có cái dễ thương, buồn cười, ngồ ngộ song bậc phụ huynh nên giúp con sửa nhanh tật này để tránh những thiệt thòi khi đến tuổi đi học.

“Dỏng tai” nghe con nói ngọng

Nghe con 5 tuổi líu lo hát “ni ní ni, ní nì ni, thật nà hay hay hay…” – bài Thật là hay theo chị Xuân Mai trên tivi mà chị Thư (Hà Đông, Hà Nội) nẫu hết cả ruột.

Chị nhớ lại trước đây học cấp 3, cùng lớp chị có một cậu bạn thân cũng nói ngọng, mỗi lần cậu phát biểu trước lớp là cả lớp được cậu đãi vài tràng cười nghiêng ngả. Chị biết, dù mọi người trong lớp cười, chẳng có ác ý gì nhưng vẫn làm cậu bạn kia ngại ngùng, xấu hổ lắm.

Biết tình hình sẽ không khá hơn với con mình nếu con cứ suốt ngày líu lo nói ngọng, chị lên kế hoạch tập cho con phát âm đúng đặc biệt là vài âm “nhạy cảm”. Vừa dạy con phát âm, chị vừa chỉ cho con cách điều khiển lưỡi thế nào, khuôn miệng ra sao… để bé phát âm cho chuẩn.

“Con đã biết đọc, biết viết thế nhưng tôi lo lắm, có gần 1 năm nữa là con vào lớp 1 rồi, thế mà ngọng thế này thì học hành ra làm sao?”, chị nói.

Con nói ngọng là một chủ đề rất nóng trên nhiều diễn đàn. Chị Khánh (Quận 3, TP HCM) cũng nằm trong hoàn cảnh này, bé Mun con chị với biệt danh “vua nói ngọng”.

“Con tớ bị ngọng kinh khủng, mất hết chữ cái đầu như ‘con gà’ thành ‘on à’, ‘mẹ thành ẹ’, ‘bố thành ố’… Nghe con nói ‘ở à án ắm, i ơi i, on ích ơi ơ’ mà vợ chồng tớ cười đau cả ruột rồi ngẩn ra phân tích xem ‘nó nói gì”.

Được một thời gian dài uốn nắn, bé Mun cũng có bước tiến rõ rệt, bé không “vứt” những âm tiết đầu tiên đi nữa mà giờ bé chỉ “ăn gian” vài từ: “siêu thị” thành “siêu ị”, “con chó” thành “con hó”.

Thêm vào đó, âm “r” bé tuyệt đối “bó tay”, “rổ rá” bé toàn nói là “gổ gá”, “con rùa” thành “con gùa”.

Chị Tuyết (Cầu Giấy, Hà Nội) có con bị ngọng nhưng ở mức độ nhẹ hơn, chữ ‘gh’ được bé đổi sạch sang ‘h’. Lúc thì: “Mẹ lấy cho con cái hế”, “Bố ơi, cuối tuần rồi, cả nhà đi hăm em bé đi”, “Eo ơi, đường hồ hề thế nhở”.

Chị chia sẻ: “Những khi nào nghe con nói ngọng, vợ chồng mình lại tảng lờ hoặc hỏi lại ‘sao hả con?’, thằng nhóc nói lái ngay sang ‘mẹ lấy cái ấy cho con’, nhìn mặt con ngộ lắm, con toàn tìm từ khác, để nói tránh cái từ mình không nói được thôi”.

Nhiều khi chị đã cố dạy con nói chuẩn, ép con bắt chước mình, nhìn khẩu hình lưỡi cong lên và bắt con phát âm “r” cho bằng được thế nhưng “Nhìn con cũng cong lưỡi, uốn môi các kiểu, nhưng khi phát thành tiếng cũng loách cha loách choách nghe buồn cười lắm”, chị nói.

Rèn cho con hết hẳn chứng nói ngọng

Rèn cho con hết tật nói ngọng là ước muốn của rất nhiều bậc phụ huynh tuy nhiên điều này không thực sự đơn giản.

Có nhiều nguyên nhân khiến bé nói ngọng: Do sự phát triển thể chất chưa toàn diện, bé nhút nhát, bắt chước người thân nói ngọng, bệnh lý (viêm họng, tắc mũi)…

Đứng trước tình huống này, nhiều bậc phụ huynh như chị Tuyết, chị Khánh và chị Thư đã áp dụng chiêu thức khuyến khích con nói nhiều và điều chỉnh cho con ngay lúc trẻ nói. Việc để con nói nhiều sẽ giúp bé tăng vốn từ vựng, hơn thế bố mẹ lại có điều kiện biết con thường sai ở từ nào và sửa kịp thời.

Việc tiếp theo mà các bố mẹ hay làm là giúp bé thoải mái, thả lòng người và thật bình tĩnh trước khi nói. Tránh trường hợp hỏi dồn khiến bé lúng túng, nói lắp, ngọng…

Như chị Thư và chị Khánh còn thường xuyên làm mẫu cho bé: Dạy bé đặt lưỡi thế nào, hơi bật ra làm sao. Nhìn người thân làm thì bé càng dễ dàng bắt chước học tập theo.

Hay nói chuyện, hát cho con nghe: Ngay từ bé, nếu bạn thực hiện điều này thật chuẩn, thường xuyên, bé sẽ có cả một quá trình để bắt chước theo những bài hát, câu chuyện mà bạn kể. Với những từ nào bé bị ngọng, bạn hát, kể đi kể lại phần đó để bé ghi nhớ và làm theo.

Cho bé tiếp xúc với môi trường rộng lớn bên ngoài hơn là co cụm bé trong không gian ở nhà. Việc tăng cường những hoạt động giao tiếp, nhất là ở chỗ đông người sẽ khiến bé nhanh nhẹn, mau miệng hơn.

Hạn chế để bé tiếp xúc với người hay bị nói ngọng.

Khi con ngọng, tuyệt đối không nhại lại, trêu con, điều này khiến bé sẽ không ý thức được việc phát âm chuẩn là việc nên làm.

Cuối cùng, nếu bạn biết nguyên nhân bé ngọng xuất phát từ yếu tố bệnh lý, bạn cần đưa con đi khám ngay. Cha mẹ nên kiên trì trong việc dạy bé nói, không nôn nóng.

Chị Ngọc (Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ với các mẹ về cách dạy con nói ngọng – theo chị nhờ cách này mà bé Na nhà chị tuyệt nhiên hết hẳn chứng nói ngọng.

Trước đây, Na cũng toàn nói mất chữ cái đầu: “Con tu hú” thành “on u ú”. Những lúc thế, chị bảo: “Na nói nhầm nhé, nghe mẹ nè”. Thế là từng cử động về môi, đặt lưỡi thế nào được bé răm rắp nghe theo. Chị cho bé nói rõ âm đầu trước rồi ghép âm chuẩn sau.

Những hôm “luyện thanh” cho con, cả nhà chị có lúc như cái chợ vỡ. Con thì: “On uồn ụ ồi”, mẹ lại bảo: “Nói thế thì không ngủ nghê gì cả nhé. Ngồi xuống đây, giữ lưỡi như mẹ, há to miệng ra, chúm cha chúm chím như thế thì hơi bật ra bằng cách nào”…

“Tuy mất thời gian, hơi mệt một chút nhưng con tiến triển rõ rệt”, chị tự hào kể.


4 nguyên tắc chính trong việc chữa ngọng cho bé

Nói ngọng là tình trạng xảy ra ở một số trẻ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân như cấu trúc hàm, răng, lưỡi… Đa phần, việc nói ngọng sẽ dần cải thiện theo thời gian, nhưng có những trường hợp trẻ sẽ ngọng đến lúc lớn lên. Ngay khi phát hiện trẻ nói ngọng, cha mẹ cần giúp trẻ chỉnh sửa ngay để tránh kéo dài.

Trong những trường hợp trẻ bị ngọng, cha mẹ phải thật kiên trì dạy con nói thật chậm, từng từ, từng câu và hỗ trợ con theo các bài tập cơ bản sau:

Tập chữa ngọng bằng hệ thống bài tập, dựa trên 4 nguyên tắc chính.

  • Thời gian của các bài tập phải ngắn: do sự tập trung vào bài tập của trẻ hạn chế. Nếu bài tập dài sẽ làm trẻ rất chóng mặt, do đó khả năng tập trung bằng tai, trẻ nghe âm thanh đúng của âm được luyện tập bị giảm sút. Do đó thời gian bài tập chỉ nên khoảng 2-3 phút. Tuy nhiên muốn tập tốt phải tập nhiều lần trong ngày (có thể từ 20 – 30 lần/ngày).
  • Giám sát bằng tai nghe: thường trẻ ngọng không có ý thức rằng mình đã phát âm sai, do đó cần phải luyện tập cho trẻ cách phân biệt thế nào là âm đúng.
  • Sử dụng các âm bổ trợ: thực tế là các mô hình phát âm sai thường cố định rất vững chắc và không thể phá vỡ bằng cách trình bày giản đơn cho trẻ cách thức cấu âm đúng. Vì thế khi tập phải cho trẻ phát âm những cấu âm mà trẻ đã biết là đúng và có vị trí cấu âm tương tự với âm luyện tập. Ví dụ khi tập sửa âm gió, ta sử dụng âm bổ trợ “t”, trong tập âm “r” sử dụng âm bổ trợ “đ”… Âm bổ trợ được chuyển dần từng bước sang âm luyện tập.
  • Dùng sức tác động tối thiểu gồm tiết kiệm cử động và sức trong khi cấu âm. Cần thiết lúc bắt đầu luyện tập một âm mới phải phát âm nhẹ, khẽ, không cần sức để cho âm đó không khác thường khi nói và được sát nhập nhanh chóng với các âm khác.

Giai đoạn đầu tập luyện, cha mẹ nên ngồi cùng các con khi giáo viên hướng dẫn mới có thể tập đúng cho trẻ khi ở nhà. Ngọng là một bệnh có thể chữa được vì thế nên phải phát hiện sớm để hướng dẫn trẻ khắc phục kịp thời, tránh những thiệt thòi cho con trước khi đến trường.

Tham Vấn Tâm Lý