Tử tế với đồng nghiệp có thể được xem như một chìa khóa giúp bạn mở ra cánh cửa thành công. Nhưng điều gì “quá” cũng đều không tốt, và sự tử tế của bạn trong môi trường công sở cũng không phải là một ngoại lệ.
Nếu bạn luôn mỉm cười và nói “không sao” mỗi khi một đồng nghiệp đề nghị bạn làm giúp một phần công việc của anh/cô ấy, thì đã đến lúc bạn cần xem lại mình. Dưới đây là 5 tín hiệu mạnh cho thấy có thể bạn đang rơi vào “vùng nguy hiểm” của sự tử tế:
1. Bạn thường xuyên làm việc một mình trong văn phòng
Nếu bạn thường xuyên là người duy nhất làm việc trong phòng vào giờ nghỉ ăn trưa hoặc sau 7 giờ, làm những công việc lẽ ra là của người khác, thì có lẽ bạn là người quá tử tế với đồng nghiệp.
2. Đồng nghiệp của bạn không bao giờ có sự đền đáp với bạn
Nếu bạn giúp người khác nhiều mà họ không có bất kỳ điều gì để thể hiện sự biết ơn, thì lòng tốt của bạn đã trở nên vô nghĩa.
3. Bạn xem chuyện của người khác như chuyện của mình
Chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người khác là việc nên làm. Tuy nhiên, bạn không nên dành quá nhiều thời gian cho những vấn đề cá nhân của người khác. Khi bạn làm thế thì chính bản thân bạn cũng có thể gặp rắc rối.
4. Không còn ai nói câu “cảm ơn” với bạn nữa
Câu “cảm ơn” đơn giản là điều tối thiểu mà đồng nghiệp có thể nói với bạn để đáp trả lòng tốt của bạn. Nếu bạn không còn nghe thấy ai nói với bạn câu này, mà bạn vẫn tiếp tục giúp đỡ họ, thì rất có khả năng bạn đang tử tế quá mức.
5. Bạn không còn cảm thấy tự tin trong công việc
Sự tử tế quá mức của bạn có thể đồng nghĩa với việc bạn thiếu tự tin và không khẳng định được bản thân. Nếu bạn có cảm giác như mình không đủ giá trị, bạn sẽ rất dễ nói “vâng” với tất cả yêu cầu của mọi người để bù đắp cho những yếu kém của mình.
Nếu nhận thấy mình là người tử tế quá mức với đồng nghiệp, bạn nên làm gì?
Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn thoát khỏi tình trạng này:
1. Ghi nhớ rằng, công sở chỉ là nơi dành cho công việc, không có chỗ cho những chuyện cá nhân
Khi một đồng nghiệp đề nghị bạn làm việc gì đó, bạn hãy gạt các mối quan hệ cá nhân liên quan tới anh/cô ấy sang một bên và nghĩ xem chuyện gì có thể xảy ra nếu bạn chấp nhận lời đền nghị đó. Hãy cố gắng hành xử như thể một người lạ đang nhờ bạn một việc gì đó.
2. Tích cực tìm ra lý do để từ chối các đề nghị giúp đỡ
Tích cực tìm lý do để từ chối các kế hoạch hoặc đề nghị của đồng nghiệp là một cách để bạn “hãm” sự tử tế của mình lại. Chẳng hạn, nếu một đồng nghiệp nhờ bạn hoàn thành nốt phần công việc mà cô ấy đang làm dở, hãy dành một vài giây để suy nghĩ. Sau đó, bạn có thể nói: “Tôi rất muốn giúp chị, nhưng tôi cũng đang phải làm nốt việc A, B, C”. Câu trả lời này của bạn có thể khiến người đồng nghiệp có ý định nhờ vả cảm thấy không vui, nhưng họ cũng không thể nói điều gì xấu về bạn được, bởi vì bạn cũng đang phải hoàn thành công việc của bạn.
3. Đề nghị “có đi có lại”
Trước khi chấp nhận giúp đỡ một đồng nghiệp nào đó, hãy đề nghị họ giúp bạn một công việc mà họ đang cần. Nhưng hãy làm rõ để cả hai bên thấy là mình có lợi trong đề nghị này. Những mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi” sẽ tồn tại lâu dài hơn.
4. Bạn vẫn có thể cảm thấy thoải mái khi bất đồng với người khác
Có một sự khác biệt lớn giữa bất đồng quan điểm và sự không hài lòng. Nói “không” không biến bạn thành một con người “khó chịu”. Trái lại, biết nói “không” đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp bạn trở thành một tài sản có giá trị hơn trong ê-kíp làm việc. Xét cho cùng, mọi người sẽ yêu mến bạn khi bạn làm tốt công việc của chính bạn.
5. Hãy tự tin về giá trị bản thân
Nếu bạn cảm thấy thiếu tự tin, hãy tập trung vào những thế mạnh mà mình có để làm điểm tựa, từ đó nỗ lực để đạt tới những mục tiêu mà bạn đề ra. Ai cũng có một thế mạnh và điểm yếu riêng. Nếu chỉ nhìn vào điểm yếu của mình, bạn sẽ chỉ là một con người buồn chán và bất mãn. Trái lại, biết nhìn vào điểm mạnh của bản thân, bạn sẽ thấy tự tin hơn nhiều.
Phương Anh
Theo AOL Jobs
No Comment