Tôi năm nay đã ngoài 30 tuổi và hiện có 2 con trai (một đứa 8 và một đứa 6 tuổi). Đã từng có một thời gian dài, tôi khốn khổ với 2 ‘tiểu quỷ’ nhà mình. Đi làm thì chớ, về đến nhà là tôi ‘đánh vật’ với con. Hết quát đứa này nghịch ít thôi lại la đứa kia. Cuộc sống của tôi cứ xoay mòng mòng như một mê cung chưa tìm ra lối thoát… thường xuyên là cảnh mẹ nói con khóc, con khóc mẹ đau đầu… Tôi, ra ngoài có thể giải quyết công việc rất nhanh và hiệu quả nhưng về nhà đôi khi lại ‘bó tay’ – không dạy nổi con.
Sếp tôi – chị Linda – là một người Mỹ gốc Thái cũng có 2 con trai ở độ tuổi con tôi. Cả 2 đều là những đứa trẻ cá tính, dễ gây chú ý và nổi bật trong đám đông nhưng cư xử rất nhã nhặn và ‘biết điều’ với mẹ. Khi tôi kêu than về 2 nhóc nhà mình và hỏi chị ‘bí kíp’ dạy con. Chị cười và nói, tôi ‘vất vả’ vì tôi không cứng rắn uốn nắn con và đã phạm lỗi-lớn khi dạy nên đã vô tình làm hư con.
Vậy, những sai lầm làm hư con của tôi là gì?
1. Những lời đe dọa vô nghĩa
Khi con đánh, cãi nhau… tôi thường nghiêm mặt, nói: “Hãy thôi đi, nếu không mẹ sẽ đánh đòn cả hai đấy!”. Nhưng chỉ cần chúng xin xỏ, khóc lóc thì tôi lại mủn lòng và kết quả là chẳng có hình phạt nào được thực hiện.
Nếu bạn cũng là bà-mẹ-yếu-đuối giống tôi thì hãy xem xét lại ngay nhé! Sự thiếu quyết đoán của chúng ta trong trường hợp này chỉ làm con hư hỗn hơn thôi. Nói mà không làm sẽ khiến trẻ nhờn mặt và 1 lần, 2 lần… khi mẹ nói ‘… mẹ sẽ phạt đấy’ thì lũ trẻ sẽ ngầm hiểu rằng: à, mẹ dọa thôi mà. Cứ nghịch đi, mẹ không phạt đâu.
Khi con tranh giành, đánh chửi nhau… mẹ đừng chỉ biết dọa suông (Ảnh minh họa).
2. Phủ nhận hoàn toàn
“Con toàn nói dối thôi”, “Nhà này không có ai bướng như con” hoặc “Con xem bạn A, bạn B có nghịch như con không”… là những cách so sánh thường xuyên được sử dụng trong quá trình dạy con.
Hẳn một số mẹ cũng như tôi không nghĩ rằng cách nói này xúc phạm đến danh dự của bé? Sự thật, trẻ sẽ rất đau lòng, tự ti về bản thân khi nghe cha mẹ nói những câu mang tính phủ nhận hoàn toàn như vậy.
3. Thất hứa
Để khuyến khích con học tốt hơn, tôi có treo giải thưởng hứa rằng: nếu trong 2 con mỗi đứa được 5 điểm 10/tuần thì mẹ sẽ mua cho bộ đồ chơi mới. 2 con tôi đã rất háo hức, nỗ lực để đạt được mục tiêu mẹ đưa ra và chúng đã thành công. Nhưng tôi cứ lần khất mãi tận hơn 1 tháng sau mới mua tặng chúng bộ đồ chơi như đã hứa. Kết quả là chúng nghi ngờ những lời hứa của tôi sau đó.
Khi tôi nói: “2 con đừng quậy nữa thì cuối tuần mẹ sẽ cho về nhà ông bà ngoại chơi“, thằng anh chu miệng bảo em: “Mẹ giả vờ đấy!“… rồi 2 đứa tiếp tục đuổi nhau, la hét
Hãy nhớ: trẻ con rất nhạy cảm, người lớn nếu đã hứa với trẻ 1 điều gì thì nên bằng mọi cách để thực hiện nó. Tuyệt đối không nên thất hứa với trẻ bởi nếu thất hứa dù chỉ 1 lần, trẻ sẽ mất niềm tin. Từ đó những lời dạy bảo của người lớn hoàn toàn vô tác dụng đối với trẻ.
4. Nói một đằng làm một nẻo
- “Không! Con không được ăn bánh trước bữa ăn chính”
- “Hu hu”
- “Thôi được, hãy nín đi và con sẽ được ăn một, hai chiếc bánh”.
2 con tôi không chịu nghe lời và thiếu niềm tin vào những lời tôi nói một phần vì tôi đã ‘nói một đằng, làm một nẻo‘. Tôi luôn nghiêm khắc và không muốn con ăn bánh kẹo trước giờ ăn, bởi tôi e ngại các con sẽ đầy bụng và chán ăn. Nhưng chỉ cần một đứa nhăn mặt, khóc lóc, mè nheo… là tôi lại mềm lòng và sẵn sàng ‘thương lượng‘. Kết quả, tôi thất bại trong việc uốn con ngoan.
5. Thuyết giảng
Có một thời, khi con làm sai điều gì, tôi thường nói một tràng về lỗi lầm của con cũng như các giá trị mà con cần đạt đến.
Chẳng hạn, khi con không làm bài tập về nhà, tôi lên giọng thuyết giảng về các lợi ích. Một đứa trẻ 8 hoặc 6 tuổi có hiểu điều tôi nói? Tất nhiên là không. Có thể chúng nghe rất chăm chú (như nuốt từng lời nói) nhưng sau đó sẽ quên ngay lập tức.
Sau rất nhiều thất bại, tôi nghiệm ra rằng: thay vì thuyết giảng hãy nói chuyện với con theo cách gần gũi, nhẹ nhàng, ngắn gọn và dễ hiểu.
Thông tin bài viết dựa vào những chia sẻ của chị Cao Thùy Dung (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội)
No Comment